Do địa hình kênh rạch chằng chịt nên giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang bị chia cắt nhiều nơi. Khi ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn, xây cầu theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) là một giải pháp khả thi. Thế nhưng, việc kêu gọi đầu tư gặp rất nhiều khó khăn do vướng Nghị định số 15 năm 2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Ghi nhận tại xã Tân Thành, Tân Hiệp, Kiên Giang, mỗi ngày 2 lần, vợ chồng ông Chiểu phải vượt kênh xáng Long Xuyên - Kiên Giang bằng phà. Giá cho cả lượt đi lẫn về là 8.000 đồng. Đó là vào ban ngày, đêm xuống, số tiền trả phải gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần. Dù vậy, nhiều đêm, vợ chồng ông cũng không thể về nhà vì phà đã ngưng chạy.
Muốn qua sông phải phụ thuộc vào những chuyến phà - chuyện không phải hiếm ở vùng nông thôn của tỉnh Kiên Giang. Mặc dù địa phương đã kêu gọi các nhà đầu tư xây cầu bằng hình thức BOT. Tuy nhiên, có khá ít nhà đầu tư quan tâm đến những dự án này.
Ủy ban nhân dân huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang cho biết, địa phương hiện có 4 cây cầu nông thôn cần được xây dựng. Dù đã kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT nhiều năm nhưng không doanh nghiệp nào mặn mà. Bởi theo Nghị định số 15 năm 2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án được chọn đầu tư phải có tổng vốn đầu tư từ 20 tỷ đồng trở lên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!