Ảnh minh họa. (Nguồn: Dân trí)
Một chính sách có tính nhân văn cao và đang được hàng triệu người lao động ngóng chờ không chỉ vướng về cơ chế chính sách mà nguồn vốn dành cho nó thời gian qua cũng rất thấp so với nhu cầu phát triển các dự án nhà ở xã hội hiện nay.
Với lãi suất 4,8%/năm, rẻ chỉ bằng 1/2 so với lãi suất thị trường hiện nay và thời gian vay lên tới 15 năm nhưng sau gần nửa năm triển khai, mới chỉ có khoảng 1.200 khách hàng tiếp cận được nguồn vốn này và 310 tỷ đồng được giải ngân là con số quá khiêm tốn so với nhu cầu thực của hàng triệu người lao động thu nhập thấp. Ví dụ: cả phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội hiện chỉ có vỏn vẹn 3 người được vay vốn.
Theo khảo sát của Bộ Xây dựng đến năm 2021, nhu cầu vay vốn mua nhà ở xã hội trên cả nước ước vào khoảng 18.000 tỷ đồng nhưng cả giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ mới bố trí được hơn 2.300 tỷ đồng, trong đó năm 2018 bố trí được có 1.000 tỷ đồng để cho vay, tức là mới chỉ bằng 12% nhu cầu.
Theo mục tiêu, đến năm 2020 sẽ có 250.000 căn hộ nhà ở xã hội được hoàn tất. Nhưng với tình hình như hiện nay, nếu nguồn lực về vốn chưa bố trí đủ thì giấc mơ an cư lạc nghiệp của hàng triệu người thu nhập thấp và công nhân lao động sẽ mãi xa vời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!