Những đám khói đen kịt, bốc lên nghi ngút mỗi khi các chủ lò nung mồi lửa. Không chịu nổi bầu không khí ngột ngạt, anh Hà (thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã nhiều lần tự ghi lại cảnh các lò nung ngay sát nhà mình xả khói để làm bằng chứng, kiến nghị với chính quyền địa phương.
Trước phản ứng gay gắt của bà con hàng xóm, một hộ làm nghề truyền thống ở đây cho biết, thực ra từ lâu làng nghề cũng đã muốn thay lò gas cho đỡ khói, nhưng thử mấy lần, lò gas không phù hợp, nên đành phải quay lại dùng lò thủ công để giữ nghề truyền thống.
Cả làng gốm Hương Canh vẫn còn hơn chục lò thủ công đang hoạt động. Lò đốt bằng củi và than tổ ong lại nằm xen trong khu dân cư, nên ô nhiễm môi trường là điều dễ hiểu.
Theo quy định, những lò nung thủ công đã phải dừng hoạt động từ lâu. Thế nhưng ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, chưa biết đến bao giờ các chủ lò nung thủ công mới chuyển đổi mô hình sản xuất. Vấn đề này chính quyền địa phương đã biết, nhưng việc giải quyết lại không hề đơn giản.
Đại diện UBND thị trấn Hương Canh cho biết, vướng mắc chính là ở chỗ Nghị quyết của tỉnh chỉ đề cập việc cấm lò nung gạch thủ công, trong khi đó còn tồn tại các lò nung ngói hay chum vại giả cổ. Hơn nữa, khuyến khích giữ nghề truyền thống của địa phương, tỉnh đã phê duyệt đề án Cụm công nghiệp làng nghề gốm Hương Canh từ 2006, nhưng vẫn chưa triển khai.
Đại diện UBND thị trấn Hương Canh cũng xác nhận, mặt bằng dành cho Cụm công nghiệp làng nghề gốm Hương Canh đã sẵn sàng, còn chuyện vướng mắc ở đâu, tháo gỡ thế nào, vì sao dự án chậm triển khai, thì phải chờ công văn trả lời của tỉnh mới rõ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!