Những con số ấn tượng
Trong năm 2016 và 2017, hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam diễn ra rất sôi động, chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị lên đến hơn 50 triệu USD. Đó là Momo với 28 triệu USD, F88 với 10 triệu USD, Got It! với hơn 9 triệu USD, Vntrip.vn với 3 triệu USD, Toong với 1 triệu USD. Mới nhất, doanh nghiệp Foody - mạng xã hội về ẩm thực - đã được SEA mua lại hơn 82% cổ phần với giá hơn 64 triệu USD và được coi là khoản đầu tư lớn nhất trong năm 2017 tính đến thời điểm hiện tại. Như vậy, những dòng tiền lớn đã và đang chảy vào startup Việt.
Ngoài ra, hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư. Hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam, điển hình là IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Captii Ventures, Gobi Partners, 500 Startup..., tăng khoảng 30 % so với năm 2016. Hiện tại đã có 24 cơ sở ươm tạo (BI), 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA). Nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp được hình thành như "Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa", chương trình "Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam".
Nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.
Nhiều tập đoàn, công ty lớn, ngân hàng lớn của Việt Nam đã tham gia thành lập các quỹ đầu tư: Quỹ Sáng tạo CMC, FPT Ventures, Viettel Venture hay Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) hoạt động với 4 nhà đầu tư chính là FPT, Dragon Capital Group, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV, VP Bank cũng đã quyết định hỗ trợ hơn 1 tỷ USD cho hoạt động khởi nghiệp. Các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam đã bắt đầu kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có thể kể đến như: VIC Impact, Hatch! Angel Network, iAngel (Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam) hay Angel4us.
Theo đó, số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm lẫn các nhà đầu tư cá nhân đều có sự tăng trưởng cao.
Về mặt nhân lực hỗ trợ khởi nghiệp, huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp, thời gian qua ghi nhận sự phát triển về số lượng và bắt đầu có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn.
Đi vào thực chất, cán mốc 5.000 DN startup trước năm 2020
Những con số ấn tượng trên đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
"Đây là kết quả của sự chủ động, vào cuộc tích cực của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và sự tham gia, hưởng ứng mạnh mẽ của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội cũng như các hiệp hội trên cả nước sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động Năm Quốc gia khởi nghiệp. Đây cũng là kết quả đáng khích lệ sau một năm triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 mà Thủ tướng đã giao Bộ KH&CN chủ trì", Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nói.
Năm qua, nhiều doanh nghiệp start-up đã xuất hiện, nâng tổng số lên khoảng 3.000.
"Riêng trong năm qua, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương để cùng thúc đẩy sự phát triển của phong trào khởi nghiệp sáng tạo. Hành lang pháp lý hỗ trợ cũng đã được hoàn thiện với việc Quốc hội đã thông qua Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, có nhiều quy định mới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết thêm.
Theo đó, tới Techfest 2017 này, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam không chỉ dừng lại ở phong trào mà đã đi vào thực chất.
Hiện tại, trong số 600.000 doanh nghiệp trên cả nước, đã có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp, trong đó sẽ có 0.5% là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đây chính là lực lượng doanh nghiệp tiên phong, có khả năng tăng trưởng cao để đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng, việc cán mốc 5.000 doành nghiệp startup vào năm 2020 lúc này chỉ là vấn đề sớm hơn bao lâu, nếu căn cứ theo tình hình hiện tại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, làm sao để startup không phải là phong trào trong một lúc mà liên tục, dài hơi, bền vững.
"Đây không phải là việc riêng của Bộ KH&CN, các nhà đầu tư, những bạn trẻ, những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… mà là của tất cả mọi người, bộ ngành, địa phương", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với vai trò kiến tạo, Chính phủ các bộ ngành không chỉ tạo ra những khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tài chính thuận lợi mà đã có những đề án hỗ trợ cộng đồng startup cụ thể nhất. Sau Đề án 844 hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký duyệt Đề án 667 phát triển hệ tri thức Việt số hoá nhằm xây dựng nguồn tài nguyên dữ liệu mở của Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp và cộng đồng.
"Làm sao để startup không phải là phong trào trong một lúc mà liên tục, dài hơi, bền vững. Đi một mình có thể đi nhanh nhưng đi xa thì phải đi cùng nhau. Chúng ta cần cộng đồng startup, cộng đồng các nhà đầu tư, nhà nghiên cứu lớn mạnh hơn nữa. Hãy dũng cảm, đặc biệt sáng tạo trong khởi nghiệp và đừng lo lắng ý tưởng của mình lạc lõng hay sẽ thất bại bởi không làm sẽ không có thành công. Và không ai thành công mà không có thất bại!", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!