Không để độc quyền, đẩy giá điện lên cao

-Thứ tư, ngày 24/10/2012 08:44 GMT+7

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại hội trường.Ảnh: Vnn

Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, đa số các ý kiến cho rằng, phải làm rõ vai trò điều tiết của Nhà nước, không để cơ chế độc quyền lấn át, đẩy giá điện lên cao…

Một số đại biểu cho rằng, làm được điều này sẽ bảo đảm cho giá bán điện được điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường, khuyến khích đầu tư vào ngành điện và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Hà Sỹ Đồng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: Vấn đề đặt ra là cần phải cụ thể hóa nguyên tắc, cấu trúc vận hành cơ chế bán điện theo thị trường, có sự điều tiết của nhà nước. Nhà nước sẽ điều tiết hoạt động nào của thị trường điện? Đề nghị quy định nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện trong Dự thảo luật để minh bạch giá điện.

Bà Lê Thị Nguyệt, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: Phải có ý kiến của Thủ tướng về điều chỉnh tăng giá điện, không chỉ giao Bộ Công thương hay Tập đoàn Điện lực điều chỉnh… Luật đề cập nhiều đến quyền người bán, nhưng chưa đề cập quyền lợi người tiêu dùng. Cần bổ sung: Người tiêu dùng được chọn, thỏa thuận khi nâng giá, có thể là Hiệp hội hoặc tổ chức quần chúng...

Với mong muốn chính sách an sinh xã hội được thể hiện trong Luật Điện lực, một số đại biểu đề nghị dự thảo luật cần có thêm các quy định, nhằm tăng cường ưu tiên đầu tư vào các công trình điện và dành cho người dùng điện ở vùng núi, hải đảo thêm các chính sách ưu đãi.

Bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang, Đại biểu Quốc hội TP.HCM: Dự án Luật cần khuyến khích các tổ chức kinh tế ngoài DNNN đầu tư lưới điện vùng khó khăn (lâu nay tư nhân không làm vì không có lãi), nhằm hạn chế độc quyền trong truyền tải điện, khắc phục tình trạng lưới điện xuống cấp mà DNNN không có vốn.

Ông Huỳnh Văn Tính, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: Việc đầu tư vùng khó khăn nhiều doanh nghiệp ngành điện từ chối đầu tư, đề nghị 100% vốn Nhà nước đầu tư điện cho vùng khó khăn.

Dự kiến, Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi sẽ được thông qua trong kỳ họp lần này.

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Luật sư, các ý kiến tập trung vào các vấn đề: Cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư; thời gian đào tạo nghề luật sư, điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư; đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân; điều kiện hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài...

Thảo luận về việc cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng, Luật không nên cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư, lý do là nếu viên chức giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư sẽ làm phân tán nguồn lực và xung đột lợi ích khi luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng. Điều này cũng khiến cho giảng viên không đảm bảo chất lượng giảng dạy và chất lượng hành nghề.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước