Không khí đón giao thừa tại các địa phương

Tổng hợp -Chủ nhật, ngày 10/02/2013 00:33 GMT+7

Ảnh khai thác

Vào đúng thời khắc thiêng liêng của đêm giao thừa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã thành kính dâng hương kính cáo anh linh các Vua Hùng. Đất Tổ đêm giao thừa trang nghiêm, không khí xuân đã tràn ngập.

Năm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ nói riêng và đồng bào cả nước nói chung thành kính làm lễ dâng hương báo công với các Vua Hùng về sự kiện trọng đại tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vừa được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tại Kính thiên lĩnh điện, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã thành kính làm lễ dâng hương hoa kính cáo anh linh tiên tổ, cầu cho mây thuận gió hòa, quốc thái dân an. Về Đền Hùng dâng hương đêm giao thừa từ lâu đã trở thành nét đẹp truyền thống của người dân đất Tổ. Không khí đêm giao thừa tại đất Tổ Vua Hùng năm nay náo nhiệt hơn mọi năm, bởi tại Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia này còn có cả những trò chơi, diễn xướng dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống.

Nghệ An:

Đã trở thành nét đẹp của người dân Thành phố Vinh, vào đêm giao thừa, từng dòng người khắp các ngả đường đổ về Quảng trường Hồ Chí Minh để được hòa vào những hoạt động vui xuân đón Tết.

Quảng trường Hồ Chí Minh tràn ngập sắc xuân với một không khí náo nức tưng bừng. Nhiều người đến đây để tham gia các hoạt động của đêm hội đón giao thừa, đặc biệt là để thưởng thức chương trình ca múa nhạc đặc sắc mang đậm bản sắc xứ Nghệ với chủ đề “Hương vị quê hương”.

Khán giả được hòa mình vào những nét đẹp của đồng bào dân tộc Thái, Mông ở miền Tây Nghệ An, được đến với sức sống của các làn điệu dân ca ví dặm xứ Nghệ. Không gian nhộn nhịp, lòng người rạo rực, sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại trong thời khắc đất trời chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Nam Trung bộ


Người dân các tỉnh Nam Trung bộ đón giao thừa năm mới Quý Tỵ trong những sắc màu văn hóa khá đặc trưng. Nhiều người đã tìm đến những nơi mà họ xem là linh thiêng nhất của vùng đất để chứng kiến thời khắc đất trời giao mùa.

Những tháp Chăm cổ dọc dài các tỉnh Nam Trung bộ mang chiều sâu văn hóa đã đón hàng ngàn người. Nhiều người cho rằng, những lời cầu nguyện tại tháp Chăm cổ sẽ sớm trở thành hiện thực trong năm mới, đó là những lời cầu mong mưa thuận gió hòa gắn liền với đời sống kinh tế nông, ngư nghiệp của phần đông cư dân Nam Trung bộ, đó là những lời cầu mong về cuộc sống bình yên, thịnh vượng đến với mọi người, mọi nhà.

Tục thờ Thiên Y A Na của người Chăm và tục thờ Mẫu của người Việt đã có nét tương đồng và là biểu hiện trong giao thoa văn hóa các dân tộc. Nét độc đáo trong giao thoa văn hóa được thể hiện rõ nét trong đêm giao thừa khi cộng đồng các dân tộc trên vùng đất Nam Trung bộ cùng hân hoan đón chào năm mới với những kỳ vọng mới vào sự đổi thay của vùng đất.

Năm Nhâm Thìn khép lại, bên cạnh những thành công là không ít khó khăn trong đời sống kinh tế. Bước sang năm mới Quý Tỵ, rất nhiều người dân Nam Trung bộ cùng chung ước vọng vào sự tăng trưởng kinh tế, tốc độ cải thiện mức sống người dân.

Kon Tum

Với người dân Kon Tum, đêm giao thừa thật đặc biệt khi tất cả mọi người được đón một mùa xuân ấm áp và đầy ý nghĩa - Kon Tum tròn 100 năm tuổi kể từ ngày thành lập. Ai ai cũng mang trong mình một ước nguyện về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Sau 100 năm thành lập (9/2/1913-9/2/2013), Kon Tum đã chuyển mình để hoà nhịp cùng cả nước. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt gần 14%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 22 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23,34%.

Với những thành quả đạt được trong thời gian qua, năm 2013 cũng chính là năm bản lề để Kon Tum tiếp tục hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của khu vực Tây Nguyên.

Đón xuân năm nay, tỉnh Kon Tum đã có nhiều chính sách an sinh xã hội cùng với sự đóng góp của các doanh nghiệp ủng hộ người nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền hàng chục tỷ đồng. Qua đó, mang lại một mùa xuân hạnh phúc, ấm no cho tất cả mọi người dân trên địa bàn.

Đăk Lăk, Đăk Nông

Hôm nay, cùng với cả nước, đồng bào các dân tộc hai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông tiễn đưa năm cũ và hân hoan đón chào năm mới Quý Tỵ với bao ước vọng, kinh tế năm 2013 sẽ có nhiều phát triển.

Đêm giao thừa năm nay ở Tây Nguyên trời se lạnh và gió lớn, nhưng hàng ngàn người dân khắp nơi đang đổ về các điểm vui chơi ở trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn để xem chương trình ca nhạc mừng Đảng, mừng Xuân và chờ xem màn bắn pháo hoa lộng lẫy.

Chương trình bắn pháo hoa chào đón năm mới Quý Tỵ năm nay ở Đăk Lăk, bên cạnh thành phố Buôn Ma Thuột, còn có thêm 2 điểm bắn pháo hoa ở các huyện M’Đrak, giáp với tỉnh Khánh Hòa và huyện Ea Súp, giáp với biên giới Campuchia. Phần lớn kinh phí bắn pháo hoa năm nay do các nhà tài trợ và các doanh nghiệp đóng góp, ngân sách địa phương hỗ trợ một phần nhỏ.

Trong giây phút thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, hàng ngàn cặp mắt trẻ, già, trai, gái đang hướng lên bầu trời đầy màu sắc với bao ước vọng, nền kinh tế đất nước sẽ vượt qua khó khăn, đời sống người dân sẽ khấm khá hơn năm cũ.

Còn tại tỉnh Đăk Nông tổ chức bắn pháo hoa tại 5 điểm, trong đó Thị xã Gia Nghĩa và huyện Tuy Đức thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương, các điểm còn lại thực hiện theo chủ trương xã hội hóa. Với nhiều người dân tại huyện Cư Jut, không thể tả hết niềm vui, vì đây là năm đầu tiên địa phương bắn pháo hoa chào mừng năm mới.

Trong thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, dưới ánh sáng lung linh nhiều màu sắc từ các tràng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời Tây Nguyên, ai ai cũng vỡ òa vui sướng, làm xua tan đi những lo toan của năm cũ, cùng nhau hướng đến một năm mới với nhiều thắng lợi mới. Trong niềm vui chung của đất trời vào xuân, được xem những màn bắn pháo hoa rực rỡ, như tiếp thêm sức mạnh để người dân Tây Nguyên quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Cà Mau

Tại khu vực xung quanh Trung tâm thương mại Cửu Long, Phường 5, TP.Cà Mau, địa điểm diễn ra chương trình nghệ thuật bắn pháo hoa đón năm mới, rất nhiều người dân đổ về trung tâm tranh thủ kiếm cho mình chỗ xem bắn pháo hoa đẹp nhất.

Tết Nguyên đán năm nay, tỉnh Cà Mau tổ chức 7 điểm bắn pháo hoa, ngoài điểm tập trung tại Trung tâm thương mại Cửu Long, các điểm còn lại diễn ra tại các huyện: Năm Căn, Trần Văn Thời, Thới Bình, Ngọc Hiển và Đầm Dời, riêng huyện Trần Văn Thời tổ chức bắn pháo hoa tại 2 điểm.

Từ rất sớm, nhiều người dân đã không ngại quãng đường vài chục cây số, chạy xe ra TP. Cà Mau để chơi Tết và nhân dịp xem chương trình bắn pháo hoa. Các tuyến đường dẫn vào khu vực bắn pháo hoa luôn trong tình trạng bị kẹt xe do dòng người đổ về mỗi lúc một đông. Người dân Cà Mau ai cũng trong tâm trạng háo hức chào đón thời khắc tiễn năm cũ, đón năm mới với hy vọng về một tương lai tốt đẹp.

Thời khắc giao thừa đã tới, những màn pháo hoa đẹp mắt lần lượt xuất hiện trên bầu trời Đất Mũi mang theo hy vọng về một năm mới tươi sáng. Sự kết hợp tuyệt vời giữa âm thanh, ánh sáng và màu sắc của những màn pháo hoa đã làm thỏa lòng mong đợi của người dân, những tiếng vỗ tay, reo hò bắt đầu vang lên trong đêm kèm theo đó là những lời chúc tốt lành trong năm mới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước