Khả năng này đang được các nhà kinh tế dự báo có nguy cơ ngày càng tăng, khi những nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng tại châu Âu báo cáo sự sụt giảm GDP nghiêm trọng trong quý 3 vừa qua.
Nền kinh tế của Hy Lạp, nơi khởi nguồn cho sự bất ổn trong khu vực đồng euro tiếp tục suy giảm với tỷ lệ 5,2% trong quý 3 mặc dù tốc độ giảm đã chậm lại so với mức tăng trưởng âm 7,4% trong quý trước.
Theo dự báo mới nhất của EU, Hy Lạp sẽ tiếp tục phải đối mặt với suy thoái trong năm tiếp theo trước khi quay trở lại với tốc độ tăng trưởng tích cực nếu chương trình để ổn định và phát triển như đã đưa ra hồi năm 2010 để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ được khởi động trở lại.
Trong khi đó, GDP quý 3 của Bồ Đào Nha giảm 0,4% và của Tây Ban Nha ở mức 0% so với quý 2.
Việc vội vàng thành lập những chính phủ lâm thời tại Italy và Hy Lạp đã thất bại trong việc trấn an thị trường về tương lai của khu vực đồng euro, và vẫn còn đó mối lo ngại rằng các nhà lãnh đạo mới sẽ thất bại trong việc thực hiện các chính sách nhằm bảo đảm đưa đất nước thoát khỏi những điều tồi tệ đang diễn ra.
Tân Thủ tướng Italy Mario Monti hiện đang cố gắng để hình thành một chính phủ mới từ đống tro tàn của chính quyền ông Silvio Berlusconi. Trong khi đó, tân Thủ tướng Hy Lạp đang vấp phải những bất đồng chính trị từ phía Đảng đối lập để có thể nhận được gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro từ các tổ chức quốc tế.
Trước tình hình đang diễn biến xấu đi, tại Hội nghị thường niên tối 14/11, Đảng của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thông qua nguyên tắc của một quốc gia rời khỏi khu vực đồng euro. Mặc dù chính phủ Đức vẫn khẳng định những cam kết của mình đối với khu vực đồng tiền chung, song nhiều nhà phân tích nhận định, mối đe dọa đối với tương lai đồng euro đang ngày càng tăng lên.