Có lẽ chưa khi nào những "điểm nóng" tại xuất hiện nhiều như tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV từ việc bỏ phiếu tín nhiệm, chất vấn và trả lời chất vấn và tranh luận tại nghị trường.
Nóng trong từng lá phiếu tín nhiệm
Giống như năm 2013 và 2014, công tác bỏ phiếu tín nhiệm với những chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là một trong những điểm nóng nhất tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Kỳ họp lần này, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm với 48 chức danh.
Việc đánh giá sẽ dựa vào hai căn cứ đó là kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Cũng giống như những lần bỏ phiếu trước, các đại biểu quốc hội đánh giá mỗi chức danh với 3 mức độ: Tín nhiệm cao; Tín nhiệm; Tín nhiệm thấp.
Việc bỏ phiếu tín nhiệm được đặc biệt quan tâm bởi nó trùng với thời điểm Đảng đang thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ sau
Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của mỗi chức danh được xem là kết quả chính xác nhất cho những gì mà người này đã làm được trong nửa nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên năm nay, việc bỏ phiếu tín nhiệm được đặc biệt quan tâm bởi nó trùng với thời điểm Đảng đang thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ sau.
"Cán bộ cấp cao phải chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín", là một trong những nội dung rất đáng chú ý trong Quy định của Trung ương nhấn mạnh 8 điểm mà mỗi Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương phải gương mẫu thực hiện.
"Kết quả bỏ phiếu lần này phản ánh tương đối chính xác tình hình thực tế. Vừa phản ánh được cái chung của cả khối nhưng mà nó phản ánh được cái riêng với từng vị đại biểu", ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương cho biết.
Theo ông Hà, thứ nhất về khối, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội phiếu lần này rất cao. Đặc biệt là đồng chí Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội. Vì ai cũng thấy rằng trong nhiệm kỳ vừa rồi Quốc hội làm việc thể chế, ban hành pháp luật có thể nói là rất rõ.
Thứ 2 là khối hành pháp hay khối Chính phủ, đồng chí Thủ tướng có số phiếu tín nhiệm cao ở mức rất cao, trên 90%. Điều này phản ánh thực tế trong nửa đầu nhiệm kỳ, tình hình kinh tế xã hội phát triển đúng hướng, phát triển chắc chắn.
Thứ 3 về khối tư pháp, rõ ràng cũng phản ánh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng phát động, chỉ đạo đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.
Những người có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp cao, dù nhiều hay dù ít cũng cần đều tự đặt dấu hỏi cho mình để tự soi, tự sửa và tự khắc phục
Trong chiều ngược lại với những người có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp cao, theo ông Nguyễn Đức Hà, những đồng chí đó dù nhiều hay dù ít cũng cần đều tự đặt dấu hỏi cho mình để tự soi, tự sửa và tự khắc phục.
Tinh thần tự soi, tự sửa và tự khắc phục đã được thể hiện một cách rõ ràng trong trường hợp của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, người có số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất với 137 phiếu.
"Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn nữa, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng và của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14.
Các trưởng ngành và chiếc "ghế nóng"
Cũng giống như tại các kỳ họp của Quốc hội trước, các phiên chất vấn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Bởi trong phần chất vấn của mình, các Bộ trưởng, các trưởng ngành sẽ trực tiếp trả lời những tồn tại, các vấn đề gai góc nhất mà ngành mình đang quản lý.
Song một điểm mới rất đáng chú ý tại kỳ họp năm nay đó chính là việc hoạt động chất vấn sẽ không theo nhóm vấn đề như thông lệ.
Thay vào đó, nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực nào thì Bộ trưởng, trưởng ngành đó chịu trách nhiệm trả lời. Điều này đồng nghĩa với việc thay vì một số nhóm lãnh đạo ngồi trên "ghế nóng", tất cả các Bộ trưởng, trưởng ngành đều sẵn sàng trả lời chất vấn mà không có sự chuẩn bị trước.
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, tất cả các Bộ trưởng, trưởng ngành đều phải sẵn sàng trả lời chất vấn mà không có sự chuẩn bị trước
Và con số 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, 82 lượt đại biểu tranh luận, nhiều nhất từ trước tới nay, đã chứng minh cho sức nóng tại phiên chất vấn lần này.
Về nội dung chất vấn, sau 3 ngày, gần như tất cả các vấn đề nóng của xã hội đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra, xoáy sâu: Từ vấn đề quản lý đất đai, những tồn tại trong ngành giáo dục, tỷ lệ án oan sai, cho đến tình trạng tín dụng đen lộng hành...
"Đất đai không chỉ là nguồn lực vật chất mà còn là chủ quyền quốc gia, là máu, nước mắt và mồ hôi của nhân dân. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp nào để kịp thời lập lại kỷ cương trong quản lý và sử dụng đất đai" - Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT về vấn đề quản lý đất đai
"Trong khi có 100 USD chúng ta phát hiện ngay, một bao cát đổ trong hẻm phát hiện ngay nhưng có những tòa nhà 5, 7 tầng giữa thủ đô, giữa các thành phố lớn hoàn tất xong rồi mới phát hiện vi phạm và đến nay cũng không chịu đập bỏ" - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) chất vấn đề Bộ trưởng Bộ Xây dựng về vấn đề vi phạm trong lĩnh vực xây dựng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh)
"Người thông minh không phải là người không mắc sai lầm, cái chính là biết sửa chữa được sai lầm. Tuy nhiên, sai lầm trong xét xử rất khó sửa chữa một cách tuyệt đối. Ví vụ như vụ án ông Vũ Bá Phê (Phú Yên) tranh chấp một con bê, sau đó tòa xử sai khiến ông tự tử. Các cơ tư pháp phải tốn kém hàng tỷ đồng cũng không cứu lại được mạng sống của ông Phê. Phía sau mỗi lá đơn là số phận một con người, mỗi gia đình, dòng họ, không đơn giản là giải quyết một nửa là tốt lắm rồi. Tôi thấy rất băn khoăn" - Đại biểu Phạm Trí Thức (đoàn Thanh Hóa) trong phần tranh luận với Chánh án Toà án nhân dân tối cao về vấn đề về thời gian xét xử giám đốc thẩm quá dài, khiến nhiều người mất hy vọng.
Đây chỉ là 3 trong số hàng trăm câu hỏi được các đại biệu Quốc hội đặt ra, nó cho thấy gần như không có sự "kiêng nể" từ phía các đại biểu Quốc trong phần chất vấn của mình. Tất cả đều được đưa ra phân tích, mổ xẻ.
Đi tới cùng vấn đề
"Tôi ngoài tư cách là một đại biểu quốc hội còn là một phụ huynh học sinh. Hôm qua, tôi có hỏi một câu trong phần chất vấn của mình đó là vai trò của người đứng đầu, nhưng tôi không thấy Bộ trưởng đề cập đến vấn đề này.
Chỉ khi nào Bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ khi nào Bộ trưởng nhận ra năng lực quản lý nhà nước về giáo dục có vấn đề, có hạn chế thì mới có giải pháp để lấy lại sự tôn nghiêm quản lý giáo dục. Tôi rất mong Bộ trưởng nhìn thẳng vào sự thật, không tránh né để có những giải pháp tích cực hơn cho ngành giáo dục"
Đây là phần tranh luận giữa đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong trách nhiệm quản lý, ban hành thông tư.
Phần tranh luận giữa đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là mình chứng rõ ràng nhất cho thấy sự thẳng thắn và dân chủ trong phần chất vấn của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (Ảnh; ANTĐ)
Ví dụ này là mình chứng rõ ràng nhất cho thấy sự thẳng thắn và dân chủ trong phần chất vấn của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Các đại biểu Quốc hội sẵn sàng tranh luận để đi tới cùng của vấn đề nhằm xác định rõ hạn chế, xác định trách nhiệm để tìm ra các giải pháp khắc phục.
"Có vẻ như điều hòa trong nhà Quốc hội dường như đủ mát nên một số bộ trưởng, trưởng ngành vẫn còn toát mồ hôi", lời nói vui của một đại biểu quốc hội cho thấy sức nóng của phần chất vấn năm nay.
Không dừng lại ở phần tranh luận với các bộ trưởng, trưởng ngành, các đại biểu quốc hội cũng sẵn sàng tranh luận trực tiếp với nhau, tạo ra một làn gió mới trong nghị trường năm nay.
Phần tranh luận giữa đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu về ý kiến "vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp" đã được nhiều tờ báo miêu tả là nảy lửa, hiếm có, thậm chí còn dùng từ gay gắt.
Video tranh luận giữa đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu
Nhận xét về phần tranh luận này, ông Đỗ Mạnh Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: "Câu chuyện cụ thể này có một điểm chung là kể cả đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và đại biểu Nguyễn Hữu Cầu có cách tiếp cận và diễn đạt vấn đề khác nhau nhưng đều xuất phát từ một mong muốn làm sao để công việc nó tốt lên".
Trong phần kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 1/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh phiên chất vấn có thể coi như là cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, thể hiện thái độ trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những quyết định của Quốc hội về những vấn đề quan trọng của đất nước.
Sau hơn 20 ngày làm việc, có thể nói rằng chưa khi nào nghị trường lại "nóng bỏng" như tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vừa qua
Sau hơn 20 ngày làm việc, có thể nói rằng chưa khi nào nghị trường lại "nóng bỏng" như tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vừa qua. Tuy nhiên sự "nóng bỏng" có xuất phát từ đại biểu Quốc hội, hay đến từ các Bộ trưởng hay trưởng ngành đều có một mục đích cuối cùng là tìm ra giải pháp tối ưu để giải quyết những vấn đề đang tồn tại, qua đó giúp người dân có một cuộc sống ấm no và tốt đẹp hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!