Lễ hội mở vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm, đúng ngày Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa. Đây là dịp để tri ân những nữ anh hùng kiệt xuất của dân tộc, những người đã viết nên trang sử của dân tộc ta trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.
Hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi xung trận, đánh tan quân Hán giành độc lập cho dân tộc sau hơn hai thế kỷ bị phong kiến nước ngoài đô hộ được tái hiện trong lễ rước kiệu theo nghi thức truyền thống.
Nét độc đáo nhất ở lễ hội này là màn "giao kiệu", tức hoán đổi vị trí của kiệu từ đền thờ Hai Bà Trưng (xưa là kinh đô Mê Linh) về đình làng Hạ Lôi (quê hương của Hai Bà Trưng) và ngược lại.
Tại lễ khai hội đền thờ Hai Bà Trưng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã dâng hương tưởng niệm những nữ anh hùng dân tộc đầu tiên mở đầu cho truyền thống bất khuất, kiên cường của phụ nữ Việt Nam "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh".
Năm 40 (sau công nguyên), Hai Bà Trưng đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa và chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã thu lại toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó, chấm dứt ách đô hộ của nhà Đông Hán. Bà Trưng Trắc lên ngôi vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô tại Mê Linh.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tuy chỉ đưa lại nền độc lập cho đất nước trong gần 3 năm, nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Bởi đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam - một dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử phải thường xuyên đương đầu với kẻ thù từ bên ngoài đã hun đúc nên khí phách không bao giờ khuất phục nếu đất đai của tiền nhân bị xâm phạm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!