Bà Nguyễn Thị Bình, xã Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội cho rằng, mình có ý thức hơn mọi người là còn phơi rơm khô mới đốt để bớt khói, còn nhiều nhà đốt cả rơm tươi, cháy âm ỉ đến cả tuần mới hết mấy sào ruộng.
Ông Lê Xuân Sủng, xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội sống ở làng Chùa đã mấy chục năm và chuyện đốt rơm giờ đã là thường tình. Theo tính toán của ông, hiện mỗi sào lúa ở làng khi gặt xong sẽ phải đốt khoảng 500 kg rơm khô. “Chúng tôi chỉ biết đốt cho sạch làng, còn nếu các nhà khoa học hướng dẫn ứng dụng làm nấm… thì mới có thể giải quyết được”.
Rơm vốn có nhiều tác dụng, chỉ có điều phần lớn nông dân không mấy quan tâm. Cả làng Chùa, trong khi nhiều nông dân đang lo đốt bỏ thì chỉ có chị Cao Thị Ngọc đi xin thêm để dùng. Nhờ có rơm mà vợ chồng chị cả năm chỉ dùng hết 1 bình gas.
Theo ước tính của các nhà khoa học trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, nếu tỷ lệ rơm đem đốt là 80%, thì lượng khí độc phát thải ra môi trường như CO2 sẽ đạt 4,7 triệu tấn/năm.
Trong khi các tỉnh phía Bắc vẫn mang rơm đốt thì ở phía Nam, đặc biệt là tại tỉnh Tiền Giang hiện đang có tình trạng khan hiếm rơm. Rơm được mua với giá từ 500.000-2.000.000 đồng/ha.