Sau thời hạn kết thúc hợp đồng mua bán quyền thu phí, từ ngày 1/1/2019, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (tỉnh Tiền Giang) đã ngừng thu phí. Từ đó đến nay, lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc này tăng lên trên 32% và chủ yếu là lượng xe tải nặng, xe container gây ách tắc cũng như tác động hư hỏng hạ tầng.
Ngay trong thời gian thấp điểm, lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng khá cao. Ở nhiều đoạn tuyến, các làn xe đều đông đúc. Theo nhiều lái xe, do tăng lượng phương tiện và chủ yếu là xe tải chọn đi lên cao tốc chứ không đi đường QL1 cũ như trước đây nên rất khó khăn trong lưu thông, hầu hết các làn đường cho phép đi 100 km/h nhưng chỉ đi được 50 - 60 km/h.
Theo Cục Quản lý đường bộ 4 - Tổng Cục đường bộ Việt Nam, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 62 km được đưa vào khai thác từ năm 2010 và đến năm 2012 bắt đầu thu phí để hoàn vốn cho ngân sách nhà nước đã ứng trước gần 10.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng. Sau đó, Bộ GTVT bán quyền thu phí cho Công ty Cồ phần tập đoàn Yên Khánh trong 5 năm, từ năm 2014 đến hết năm 2018.
Từ khi không còn thu phí đến nay, tuyến cao tốc này rất lộn xộn, lưu lượng phương tiện tăng cao, việc duy tu bảo dưỡng cũng cầm chừng, gây lãng phí rất lớn và có nguy cơ xuống cấp.
Đánh giá của Cục quản lý đường bộ 4 cho thấy, mỗi ngày, tuyến cao tốc này có thể thu phí đạt trên 2 tỷ đồng, một nguồn thu không hề nhỏ để có thể tái đầu tư cho các tuyến cao tốc khác. Các Bộ, ngành đang khẩn trương tính toán phương án để thu phí trở lại tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhằm bảo vệ giá trị tài sản cũng như đảm bảo an toàn giao thông cho tuyến cao tốc hiện đại này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!