Lãnh đạo các tỉnh, thành 4 vùng kinh tế trọng điểm khẳng định cam kết với Thủ tướng

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 26/05/2020 19:26 GMT+7

Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phát triển các vùng kinh tế trọng điểm. (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sáng 26/5, Thường trực Chính phủ đã họp với lãnh đạo các tỉnh, thành của 4 vùng kinh tế trọng điểm.

Cuộc họp diễn ra nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng này của nền kinh tế tăng tốc sau dịch COVID-19, cũng như thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển trên thế giới.

Với vai trò là những nhân tố đột phá then chốt đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong 10 năm qua, 24 tỉnh, thành trong 4 vùng kinh tế trọng điểm (vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL) luôn đóng góp trên 2/3 quy mô tổng sản phẩm trong nước. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là động lực chính, đóng góp gần 37% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Còn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đóng góp trên 27%. Tính trung bình, 1% tăng trưởng của 4 vùng kinh tế trọng điểm sẽ làm tăng tổng sản phẩm trong nước được 0,61%.

Để phát huy vai trò của các động lực tăng trưởng kinh tế này, riêng trong năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị với 4 Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm và ban hành 4 chỉ thị về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và liên kết giữa các tỉnh ở mỗi vùng. Từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, lãnh đạo của các tỉnh, thành là hạt nhân của 4 vùng cam kết với Thủ tướng sẽ phấn đấu để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất. Trong đó, Hà Nội sẽ tăng trưởng cao hơn 1,3 lần mức bình quân của cả nước và thu đủ ngân sách như dự toán. TP.HCM sẽ nỗ lực thực hiện được kịch bản tăng trưởng 5% so với 1,03% của quý I. Riêng tỉnh Quảng Nam dự kiến bị hụt thu ngân sách khoảng 7.000 tỷ đồng do thủy điện bị thiếu nước, tiêu thụ bia giảm và không có khách du lịch quốc tế. Các tỉnh thành Kiên Giang, Cần Thơ và An Giang sẽ thực hiện kịch bản khả thi nhất giảm từ 2 - 3% tăng trưởng.

Để 24 tỉnh, thành trong 4 vùng kinh tế trọng điểm thực sự trở thành các động lực tăng trưởng qua đó, kéo theo sự phát triển của các địa phương khác, các Phó Thủ tướng, cũng như lãnh đạo các bộ và địa phương đều kiến nghị Thủ tướng sớm giao các Bộ nghiên cứu xây dựng thể chế pháp luật cho những vùng kinh tế trọng điểm, để các vùng có địa vị pháp lý, không thể duy trì cơ chế Hội đồng vùng hoạt động như một câu lạc bộ. Bên cạnh đó, cần hình thành các Ban chỉ đạo vùng để chỉ đạo xây dựng quy hoạch vùng, cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển.

Đánh giá cao các địa phương trong vùng có quyết tâm vượt khó sau dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu 24 tỉnh, thành trong 4 vùng kinh tế trọng điểm cần rà soát lại từng chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020 để có giải pháp thực hiện. Trước hết, phải tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, giải ngân hết vốn đầu tư công đã được giao nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất, đi cùng với bảo đảm thu ngân sách. Nguyên nhân là do như TP.HCM, trung bình mỗi ngày phải thu được trên 1.650 tỷ đồng, với tỷ trọng đóng góp 28% ngân sách quốc gia, nếu thành phố không đạt được mức tăng trưởng 5% và hoàn thành được nhiệm vụ thu, ngân sách Nhà nước năm nay sẽ gặp khó khăn nhiều hơn.

Thủ tướng đề nghị các Hội đồng vùng và từng địa phương tận dụng cơ hội từ việc cả nước đã kiểm soát được dịch COVID-19 để đi trước thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh. Các vùng kinh tế trọng điểm, nhất là địa phương hạt nhân của mỗi vùng phải là những nơi đón đầu được dòng dịch chuyển vốn đầu tư ở khu vực và trên toàn cầu, đó chính là biến thách thức thành cơ hội. Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương không được gây khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ về tín dụng, giải phóng mặt bằng, cấp điện, nước, dịch vụ logistic, đặc biệt là nhân lực để phục vụ nhu cầu của các dự án có công nghệ cao và đứng đầu các chuỗi giá trị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất Chính phủ cơ chế phù hợp để các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm tận dụng được tiềm năng, thế mạnh, không cạnh tranh lẫn nhau và làm suy yếu nhau. Đồng thời, Bộ nghiên cứu chặt chẽ về mô hình và pháp luật về vùng kinh tế trọng điểm, qua đó xác định rõ địa vị pháp lý giải quyết được những vướng mắc trong gần 20 năm qua.

Trước mắt, Thủ tướng đề nghị Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND các địa phương cần đề cao trách nhiệm trong phát triển kinh tế vùng, không coi đây là sinh hoạt câu lạc bộ mà phải thực sự tận tâm, tận lực vì sự phát triển của cả vùng và của đất nước. Thực tế cho thấy, không nơi nào có thể phát triển bền vững nếu các địa phương lân cận kém phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong dự thảo Nghị quyết chuyên đề trình Chính phủ tại kỳ họp tới đây sẽ giao các nhiệm vụ cụ thể cho từng vùng kinh tế trọng điểm để các động lực tăng trưởng này tăng tốc sau dịch COVID-19, có đóng góp xứng đáng vào nỗ lực chung của cả nước, cũng như ứng phó được với thiên tai và biến đổi khí hậu.


Thủ tướng chủ trì Hội nghị Phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Thủ tướng chủ trì Hội nghị Phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

VTV.vn - Sáng nay (25/6), tại Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị của Chính phủ về phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước