Tại phiên thảo luận, các tấm biển tranh luận vẫn phát huy tác dụng. Tuy nhiên, sau khi có đến hai đại biểu trong cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai lên tiếng tranh luận với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Bùi Sỹ Lợi về tình trạng thất nghiệp sau tuổi 35, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đề nghị các vị đại biểu có thể tiếp tục trao đổi riêng.
Trước đó, cuối phiên thảo luận sáng 31/10, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nêu thực tế hàng năm, số người từ 30 - 40 tuổi phải kết thúc hợp đồng lao động tăng mạnh, trong đó chủ yếu là lao động nữ, theo thống kê có khoảng 600.000 - 700.000 người/năm.
Ngay sau đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi tranh luận ngay. Ông đem theo sự bức xúc của dư luận đi khảo sát tại 4 địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn là Cần Thơ, TP.HCM, Đồng Nai và Bắc Ninh.
Thực tế, doanh nghiệp rất muốn giữ lao động độ tuổi cao, có kinh nghiệm nhưng có 3 lý do đẩy họ ra đường: Kết thúc hợp đồng trước tuổi 30; "Nhảy việc", lao động thấy chỗ lương cao thì nhảy; Bị chấm dứt vì vi phạm Luật Lao động.
Với những gì theo dõi ở địa phương, đại biểu tỉnh Đồng Nai cho biết vấn đề nằm ở các ông chủ không muốn dùng người lớn tuổi vì phải trả lương cao, đóng bảo hiểm nhiều, sức khỏe yếu nên năng suất kém. Chung cuộc, từ đâu và vì ai vẫn chưa ngã ngủ.
Từ những tranh luận rất thẳng thắn ở nghị trường, bài "Thất nghiệp tuổi 35" trên tờ Nhịp cầu đầu tư của tác giả Hoàng Hạnh rất đáng chú ý. Lao động có đang bị vắt chanh bỏ vỏ khi tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI tuyển người trẻ, mỗi năm thay đến 40% lao động - tác giả gọi tình trạng này là "vắt kiệt thanh xuân để rồi bỏ rơi khi chớm trung niên". Tuy nhiên, ở góc khác áp lực kinh doanh lại buộc phải đặt vấn đề đạo đức thành thứ yếu. Kinh nghiệm, thâm niên tay nghề không được tính đến vì đơn giản là người Việt đang gia công ở mức quá giản đơn.
Tác giả viết: "Vốn không có sự đa cảm về quê hương và đồng bào như các doanh nghiệp thuần Việt, lựa chọn dễ dàng với doanh nghiệp FDI là sa thải rồi tuyển mới. Bài toán còn khó giải hơn khi lao động trẻ không còn là lợi thế, khả năng thu hút đầu tư giảm dần, thất nghiệp tăng cao".
Lời giải chỉ đến từ nội lực kinh tế Việt Nam khi doanh nghiệp nội phát triển, tạo thêm việc làm cho lao động, bản thân người lao động được nâng cao chất lượng và năng suất. Tín hiệu nhận thức về vai trò động lực của kinh tế tư nhân phải được thổi lửa.
Dân số vàng là một món quà tuyệt vời của mọi quốc gia, để vươn mình từ khó khăn thành cường quốc. Món quà đó không thể chỉ để bị tận dụng, trả công bèo bọt rồi ra đường ở độ tuổi 35 đẹp nhất của cuộc đời.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!