Sản phẩm tò he truyền thống được các nghệ nhân giới thiệu đến các du khách tại Bảo tàng Dân tộc học (Ảnh minh họa)
Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm giới thiệu tới công chúng những nét đẹp của văn hoá truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán. Theo phong tục, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày tiễn Táo Quân lên chầu trời, đánh dấu Tết chính thức bắt đầu và sẽ kéo dài đến hết rằm tháng Giêng. Cùng với việc trình diễn cúng Táo Quân theo đúng phong tục cổ truyền của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ (với hương hoa lễ vật), cách tẩy bếp bằng nước gừng, nghi lễ trồng cây nêu ngày Tết cũng được chính người dân đến từ vùng Thuận Thành, Bắc Ninh thực hiện nhằm giúp công chúng hiểu rõ hơn về tập quán của ông cha ta xưa.
Cây nêu ngày Tết dược dựng nên với mong muốn xua tan vận hạn năm cũ, cầu may mắn tốt lành trong năm mới, thường được làm cùng với lễ cúng ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp và sẽ được hạ xuống vào mồng 7 Tết.
Cũng tại không gian Nhà Việt của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, những hình thức sinh hoạt văn hoá truyền thống trong ngày Tết như: Gói bánh chưng, viết câu đối, nặn tò he... cũng được các nghệ nhân giới thiệu với du khách.
Trong khuôn khổ chương trình, du khách có thể trực tiếp giao lưu với nghệ nhân và GS Ngô Đức Thịnh, chuyên gia hàng đầu về tín ngưỡng Việt Nam về các phong tục cổ truyền và nét đẹp của Tết Việt.