Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng "sổ đỏ giả"

Nguyễn Hùng -Thứ năm, ngày 05/04/2012 15:30 GMT+7

Liên tiếp các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất giả được Công an Thành phố Hà Nội điều tra, phát hiện trong thời gian qua.

Nhiều người bị lừa mất hàng tỉ đồng khi đi mua đất gặp phải “sổ đỏ giả”. Ảnh: Petrotime

Xác định thiệt hại ban đầu mà các tổ chức, cá nhân phải hứng chịu lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên điều đáng lo ngại hơn là một lượng lớn phôi sổ đỏ vẫn đang bị thất lạc tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục xảy ra cho người dân và các tổ chức tín dụng.
Một ngôi nhà hiện có 4 người đang tranh chấp quyền sở hữu, ai cũng có trong tay 1 cuốn sổ đỏ chứng minh quyền sở hữu của mình, nhưng theo cơ quan công an thì tất cả đều là giấy tờ giả, chỉ có chất liệu phôi là thật… Cũng bằng thủ đoạn này, Lê Bá Quỳ ở Gia Lâm, Hà Nội đã làm giả hàng loạt sổ đỏ giả mang thế chấp để vay tiền của nhiều ngân hàng khác nhau, qua đó lừa đảo chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng. Cơ quan công an cho biết, điều đáng lo ngại nhất là việc giao dịch giữa các trường hợp lừa đảo nói trên đều có hợp đồng đã được công chứng.
Trung tá Hà Thế Hùng, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Hà Nội cho biết: “Văn phòng công chứng chỉ công chứng việc hợp đồng mua bán, chuyển nhượng trong trạng thái bình thường, không bị ép buộc, còn việc xác định sổ đỏ thật hay giả là trách nhiệm của bộ phận Địa chính, phường, xã sở tại, phòng Tài nguyên môi trường quận, huyện nơi cấp sổ đỏ đó”.
Thời gian qua, nhiều người dân và các tổ chức tín dụng cũng thường lầm tưởng phòng công chứng là đại diện cho cơ quan nhà nước để kiểm soát giấy tờ mua bán nhà đất. Theo Bộ Công an, rất có thể các tổ chức tín dụng đang nắm giữ nhiều sổ đỏ giả làm tài sản thế chấp khi cho vay vốn mà không biết. Thực tế, hàng loạt các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng sổ đỏ giả xảy ra trên địa bàn Hà Nội cho thấy, việc rà soát lại tất cả sổ đỏ đang được thế chấp để vay vốn ngân hàng là điều cần thiết vào lúc này.
Thượng tá Phạm Viết Trường, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đang có kế hoạch chung phối hợp với Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng trong toàn thành phố rà soát lại toàn bộ sổ đỏ đã thế chấp trong các ngân hàng để vay tiền. Qua các bìa đỏ này, chúng tôi sẽ phát hiện ra bìa đỏ nào là thật, bìa đỏ nào là giả mà đối tượng đã dùng để vay tín dụng nhằm mục đích chiếm đoạt”.
Thực tế, một lượng lớn phôi sổ đỏ bị thất lạc tại các địa phương đang là mối nguy cơ tiếp tay cho nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ riêng tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã có gần 500 phôi bị mất, hàng nghìn phôi bị hỏng hóc nhưng chưa có biện pháp ngăn ngừa hậu quả được đưa ra.
“Chúng tôi rất muốn cảnh báo cho tất cả người dân biết rằng, khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý chặt chẽ thì không nên vội vàng nhận sổ đỏ làm thế chấp để cho vay. Đặc biệt là các tổ chức tín dụng ngân hàng cũng cần hết sức cảnh giác. Chúng tôi sẽ công bố những số seri đã bị mất để tạo điều kiện cho người dân cũng như các tổ chức tín dụng cảnh giác, tránh thiệt hại có thể xảy ra”, Thượng tá Mai Trọng Thắng, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, CA Hà Nội nói.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối duy nhất về in ấn và cung ứng phôi sổ đỏ. Khi cấp phát cho các địa phương, các số seri được in sẵn, lưu hồ sơ để thống nhất quản lý từ trung ương đến địa phương. Vì vậy, không có gì khó khăn nếu tiến hành rà soát, thống kê, cập nhật toàn bộ số seri bị thất lạc để dễ dàng nhận diện sổ đỏ giả, qua đó phát hiện và ngăn ngừa sớm các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể tiếp tục xảy ra.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước