Một phụ nữ với công việc tay chân, lương bấp bênh chỉ 3 triệu đồng/tháng trong lúc túng thiếu đã vay nóng 10 triệu đồng chỉ cần có chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, người cho vay buộc chị phải viết giấy nhận nợ 12,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, sau khi trừ hết các chi phí đóng lãi trước, chị thực nhận chỉ còn 8,5 triệu đồng. Như vậy, con số chênh lệch giữa tiền nhận và tiền trả lên đến đến 4 triệu đồng. Do không lường được số tiền phải trả và mức lãi cao đến 600 %/năm, chị đã bước chân vào chuỗi ngày sống trong ám ảnh nợ nần vì trả mãi không hết.
Ngoài ra, còn một hình thức "biến thiên" khác của vay nặng lãi là chiêu trò mua bán tài sản của người đi vay. Một người đàn ông khi cần vay 15 triệu đồng đã được tư vấn bằng cách bán lại xe máy với giá trị đúng bằng số tiền cần vay, sau đó người đi vay thuê lại tài sản của chính mình với giá 75.000 đồng/ngày. Ở đây số tiền thuê xe chính là lãi suất cho vay, theo đó người đi vay phải chịu lãi suất 180 %/năm.
Các đối tượng cho vay nặng lãi thường có nhiều cách thức như:
- Cho vay tín chấp với mức vay thấp từ 1 - 10 triệu đồng, chỉ cần xác định nơi ở của người cần vay, người thân là có thể được vay;
- Một số nơi làm hợp đồng nhưng không đề lãi suất hoặc ghi theo lãi suất Nhà nước để tránh cơ quan chức năng.
Đối tượng cho vay tín dụng đen thường thiết lập một "ma trận" lãi suất kín đáo tới mức người đi vay không thể tính được chính xác mức lãi và số tiền mình phải trả là bao nhiêu. Những người cùng đường nhưng không thể tiếp cận vốn ngân hàng đã tìm đến tín dụng đen vay nóng, để rồi sau đó phải "oằn lưng" trả nợ, gia đình "tan nhà nát cửa".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!