Năm nay, hạn hán xảy ra sớm hơn mọi năm từ 1 đến 3 tháng, với mức độ cũng gay gắt hơn. Suốt 3 tháng vừa qua, từ Trung Bộ trở vào Nam Bộ thời tiết hầu như rất ít mưa. Thậm chí ở Kon Tum còn liên tiếp hơn 100 ngày không mưa. Vì vậy dòng chảy trên phần lớn các sông suối đều thiếu hụt nghiêm trọng từ 20% - 70%. Thậm chí một số sông như: Trà Khúc, Cái Nha Trang, Sêrêpok, Đăkbla còn ghi nhận mực nước thấp nhất trong chuỗi quan trắc cùng kì.
Hạn hán khô cằn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Tại Bình Định, 115/162 hồ chứa cạn không có nước, năng suất lúa giảm sút, nhiều nơi phải thay đổi cơ cấu cây trồng. Trong khi đó ở Quảng Trị, không chỉ lúa, hoa màu thiếu nước trầm trọng mà ngay cả nước sinh hoạt, người dân phải đi xa hàng chục cây số mới có nước dùng.
Tại Tây Nguyên, khô hạn năm nay được cho là kéo dài và khốc liệt nhất trong vòng 10 năm qua. Hàng chục ngàn ha cà phê đang trong tình trạng chờ nước. Nguy cơ về một vụ mùa thất bát đang hiển hiện. Còn đối với ĐBSCL khô hạn đã khiến xâm nhập mặn đến sớm hơn mọi năm 1 tháng. Xâm nhập mặn cùng nắng nóng kéo dài cũng đã gây ra tình trạng nghêu chết hàng loạt tại Bến Tre và đe dọa nhiều diện tích lúa.