Trụ sở HĐND – UBND huyện Thạch Thất.
Kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch hằng năm; đời sống kinh tế, văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; các chế độ chính sách xã hội được quan tâm đúng mức là điểm sáng trong chương trình xây dựng nông thôn mới… cho thấy Thạch Thất (TP. Hà Nội) đang vươn mình khởi sắc và khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng kinh tế năng động của Thủ đô.
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt tốc độ tăng trưởng khá cao
Những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành Thành phố Hà Nội, Đảng bộ, Chính quy, Nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, Thạch Thất đã phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng trên các lĩnh vực.
Thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, Thạch Thất tiếp nhận thêm 3 xã. Sau mười năm hợp nhất, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 12%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (công nghiệp 62%, thương mại - dịch vụ 22%...). Tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt 70%, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,3% đến nay chỉ còn 1,18%. Thu nhập bình quân tăng từ 13 triệu đồng/người/năm lên 52 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 4,5 lần so với trước khi hợp nhất về Hà Nội, là huyện có thu nhập bình quân cao nhất khu vực nông thôn. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, công tác quản lý nhà nước được tăng cường, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện và mở rộng các cụm, điểm công nghiệp và thay đổi hoàn toàn diện mạo của huyện. Với thế mạnh là một huyện có nhiều làng nghề truyền thống như nghề mộc, cơ khí, kim khí, chế biến lâm sản, huyện đã nhân rộng các mô hình làng nghề truyền thống này và phát triển thêm những nghề mới. Đến nay, toàn huyện có một khu công nghiệp, 10 làng nghề trên tổng số 50 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, có 1.316 doanh nghiệp và gần 21 nghìn hộ kinh doanh, sản xuất.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề tài nguyên môi trường cũng được chú trọng. Huyện đã xử lý sát sao, quyết liệt các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đồng thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp lấn chiếm đất đai, hành lang an toàn giao thông trên địa bàn. Phát triển kinh tế nhưng cũng phải gắn liền với bảo vệ môi trường. Vì thế, công tác thu gom rác thải trên địa bàn huyện Thạch Thất cũng được quan tâm, chú trọng. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải đạt 98%, từng bước đầu tư xây dựng hệ thống nước thải tập trung ở các cụm công nghiệp, làng nghề nhiều điểm nóng rác thải đã được xử lý, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Hoàn thành cấp nước sạch ở 10 thị xã, thị trấn. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo công tác GPMB các dự án trọng điểm như Đại lộ Thăng Long, Khu công nghệ Cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia, dự án tái định cư, dự án phát triển kinh tế xã hội của huyện để đáp ứng kịp thời mặt bằng cho các chủ đầu tư, đất dịch vụ để giao đất cho người dân.
Xác định việc xây dựng nông thôn mới là khó khăn và là công việc mới, huyện Thạch Thất đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để toàn dân hiểu rõ về chủ trương xây dựng NTM và xác định đây là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân. Đến nay, bộ mặt nông thôn mới trên địa bàn huyện Thạch Thất đã hình thành, mang lại niềm tin, sự phấn khởi cho nhân dân, tạo đà cho việc triển khai tiếp chương trình trong thời gian tới. Toàn huyện đã có 21/21 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, căn cứ theo các tiêu chí huyện nông thôn mới thì hiện nay Thạch Thất đã có 9 tiêu chí huyện nông thôn mới đạt và cơ bản đạt chuẩn.
Được biết, điểm nổi bật nhất trong XDNTM của huyện Thạch Thất là quan tâm đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, sau dồn điền đổi thửa, huyện đã chuyển đổi hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh lúa, rau, hoa chất lượng cao, đưa các giống lúa ngắn ngày, có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, tập trung triển khai mở rộng một số mô hình sản xuất nông nghiệp có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Chăn nuôi tiếp tục phát triển mạnh, số lượng đàn gia súc gia cầm ngày càng tăng… Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường trạm đã được quan tâm hơn đầu tư nâng cấp ngày càng khang trang. Các cụm, điểm công nghiệp; tiểu thủ công nghiệp cũng đã được mở rộng và phát triển mạnh mẽ, nhiều công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện đã được đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội (KTXH)
Trong 10 năm qua, ngân sách của huyện có bước đột phá, có những năm ngân sách thu vượt trội gấp 3 lần dự toán thành phố và HĐND huyện giao. Chỉ tính riêng năm 2018, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện Thạch Thất ước đạt trên 451 tỷ đồng, bằng 111% dự toán thành phố giao. Có được kết quả đó là do UBND huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khai thác các nguồn thu, tổ chức thực hiện quản lý thuế theo đúng quy trình tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác thu chi ngân sách
Công tác văn hóa, xã hội và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được chính quyền, nhân dân Thạch Thất đồng bộ triển khai sâu rộng, đạt kết quả tích cực: Các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát huy. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, tinh gọn, đảm bảo đồng bộ thống nhất, hoạt động ngày càng hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Định hướng đến năm 2020
Đến năm 2020, Thạch Thất là trung tâm kinh tế phát triển, có sức hút mạnh của vùng phía Tây thủ đô, cơ cấu kinh tế Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp chuyển dịch. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được trang bị ổn định, đồng bộ và hiện đại, trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới, cung cấp nước sạch cho tất cả các xã, thị trấn, xử lý triệt để về vấn đề ô nhiễm môi trường. Các khu cụm công nghiệp được đầu tư bài bản và phát triển ổn định, các vùng nông nghiệp hàng hóa, nhất là mô hình chăn nuôi, trồng trọt chất lượng cao, sản xuất theo chuỗi tiếp tục được mở rộng đầu tư và phát triển.
Cùng với đó giáo dục đào tạo được chú trọng, nâng cao và phát triển toàn diện, cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho nhu cầu thực tế. An ninh, chính trị được giữ vững, ổn định đảm bảo cho đời sống vất chất tinh thần của người dân. Thu nhập người dân bình quân sẽ đạt trên mức trung bình cùng với các huyện ngoại thành của Hà Nội. Tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị được củng cố, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
Như vậy, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, đến nay mặc dù còn những khó khăn nhất định, song Thạch Thất đã đánh dấu một bước phát triển đột phá mới về mọi mặt, tạo tiền đề vững chắc để huyện đạt được các mục tiêu phát triển tiếp theo. Để ghi nhận những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã được Đảng, Nhà nước và cấp trên tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, Đảng bộ và nhân dân huyện Thạch Thất vinh dự được đón đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc năm 2013; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba (giai đoạn 2008-2013) và Huân chương Lao động Hạng Nhì (giai đoạn 2013-2017).
Với tinh thần đoàn kết, tập trung chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, cùng với sự đồng thuận của nhân dân địa phương thì trong tương lai không xa Thạch Thất sẽ sớm trở thành một vùng kinh tế năng động phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội.