Mộc bản triều Nguyễn - Báu vật quốc gia

Nguyễn Huy-Thứ sáu, ngày 15/10/2010 11:30 GMT+7

Tọa lạc tại số 2 Yết Liêu, phường 5, TP.Đà Lạt, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV hiện đang bảo quản một khối lượng lớn tài sản vô giá của quốc gia, trong đó có kho tàng mộc bản triều Nguyễn khá đồ sộ với 34.618 bản khắc.

Mộc bản "Minh Mạng chính yếu".

Đây là khối tư liệu đầu tiên của nước ta được UNESCO công nhận là "Di sản tư liệu thế giới" và đưa vào chương trình "Ký ức nhân loại".

Điều bất ngờ thú vị là trong khi thực hiện một số công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội theo sự chỉ đạo của Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ), Thạc sĩ Phạm Thị Huệ, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV cùng các cộng sự thuộc tổ Hán Nôm của trung tâm đã tìm thấy mộc bản gốc khắc nguyên văn "Chiếu đời đô" của vua Lý Thái Tổ trong kho tàng mộc bản triều Nguyễn đang được lưu giữ tại đây.

Là người có thâm niên gần 30 năm chọn mộc bản, thế nhưng Thạc sĩ Phạm Thị Huệ cũng không nghĩ rằng trong kho tàng mộc bản triều Nguyễn mà trung tâm đang lưu giữ có mộc bản "Chiếu dời đô" của Lý Thái Tổ.

Bản gốc "Chiếu dời đô" vừa được tìm thấy nằm trong bộ sách "Đại Việt sử ký toàn thư" - Bộ Quốc sử lớn đầu tiên của nước ta còn lưu truyền đến ngày nay, thuộc khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn với ký hiệu H31/8. Toàn bộ nội dung "Chiếu dời đô" có 214 chữ, không kể phần chú thích. Đây là bản khắc chữ Hán ngược có kích thước 41x 21,2cm, khổ in 29,5x20cm. Mộc bản "Chiếu đời đô" được tìm thấy vào thời khắc lịch sử này, cùng với thời điểm Uỷ ban Di sản thế giới của UNESCO công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là "Di sản văn hoá thế giới" đã khiến cho nhiều người khi tìm đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đều hết sức ngạc nhiên.

Một bất ngờ nữa là, gần đây Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV cũng đã phát hiện mộc bản gốc nói về việc vua Minh Mạng đặt tên cho Hà Nội. Thêm một di sản tư liệu quý giá nữa của Quốc gia được "phát lộ" nhân dịp Đại lễ năm nay.

Một đất nước đã can qua nhiều biến thiên của lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, thì sự còn sót lại nguyên vẹn 1 bản khắc gỗ dễ bị phá huỷ bởi thời gian như mộc bản "Chiếu dời đô" quả là một điều hết sức kỳ diệu.

Phát hiện và dâng tặng mộc bản "Chiếu đời đô" nhân Đại Lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là việc làm thầm lặng nhưng đặc biệt có ý nghĩa của cán bộ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV. Kỳ tích hiếm có này không chỉ là dấu son nối quá khứ và hiện tại, mà còn góp phần rất quan trọng trong việc phát huy những giá trị di sản quý giá của dân tộc, của nhân loại.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước