Gà được bày bán công khai tại cầu vượt từ Nguyễn Oanh - Hà Huy Giáp, quận 12, TP.HCM. Ảnh: Lao động
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đàn gia cầm trên cả nước vào khoảng 350 triệu con, quy trình tiêm phòng dịch là một năm hai đợt. Ngoài ra, khi xuất hiện bất thường các ổ dịch, các cơ quan chuyên môn phải sử dụng biện pháp tiêm bao vây tức khắc để ngăn chặn dịch lây lan, vì vậy, việc mua thêm 40 triệu liều vaccine để phòng dịch ở thời điểm này là rất cần thiết.
Tiến sĩ Văn Đăng Kỳ, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết: "Được phép của Chính phủ cho nhập vaccine, Bộ đã chọn hai công ty chuyên nhập khẩu vaccine từ Trung Quốc, về chủng loại và chất lượng đã được nghiên cứu kiểm nghiệm, 40 triệu liều này sắp về đến Việt Nam".
Cũng theo Tiến sĩ Văn Đăng Kỳ, số liều vaccine này sẽ cấp không cho các địa phương và bà con chăn nuôi, không thu tiền. Theo tính toán của Cục Thú y, nguồn vaccine phòng dịch còn lại trong kho của các công ty cũng khá lớn, khoảng từ 60-70 triệu liều. Cùng với đó, một số công ty vẫn được phép nhập khẩu vaccine cũng đã chủ động nhập khẩu trước hàng triệu liều vaccine và cung ứng cho các địa phương từ nhiều tuần nay.
Theo ông Trần Hồng Quynh, Phó GĐ Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương 1: "Vaccine Re6 và RE5 ngay trong kho chúng tôi còn 25 triệu liều, còn tính các kho ở cả khu vực phía Nam thì trên vài chục triệu liều vẫn cấp cho các địa phương sử dụng. Để có thế dập dịch ngay, chúng tôi sẵn sàng cung ứng trước cho các địa phương trả tiền sau, nếu có công văn của các sở NN&PTNT".
Như vậy, theo tính toán của Cục Thú y, với 40 triệu liều vaccine mới đang chuẩn bị về đến Việt Nam, cộng với nguồn vaccine còn lại tại các công ty thuốc thú y, thì nguồn vaccine phòng dịch cúm gia cầm dự phòng sẽ đủ đảm bảo cấp cho các địa phương. Vấn đề là các địa phương cần khẩn trương triển khai tiêm phòng dịch, tránh tình trạng tiêm phòng không đầy đủ, nơi làm, nơi không, hoặc vứt bỏ vaccine rồi vẫn tính liều đã tiêm như đã từng xảy ra trong nhiều năm qua.