Chưa bao giờ vấn đề quản lý, xử lý vi phạm trong việc khai thác cát, nhất là khai thác cát trái phép lại trở nên nóng bỏng như trong thời gian vừa qua. Nếu phải liệt kê thì khai thác cát trái phép ở nhiều địa phương đã và đang trở thành một vấn nạn với những hệ lụy kép: gây thất thoát tài nguyên, sạt lở đất; đời sống, sản xuất, tình hình an ninh trật tự, cuộc sống của hàng loạt cộng đồng cư dân bị đảo lộn.
Theo đánh giá của Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, trong đợt cao điểm xử lý vi phạm khai thác cát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 15/3 - 1/6 vừa qua, tình hình vi phạm trong khai thác cát trái phép đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn không ít địa phương, nhất là ở các khu vực giáp ranh giữa các lưu vực sông lớn như sông Hồng, sông Cầu, sông Đà, sông Lô, sông Sài Gòn - Đồng Nai, tình hình khai thác cát trái phép vẫn đang diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, tại một số nơi, do sự buông lỏng quản lý, thậm chí bao che, tiếp tay của một số lực lượng chức năng đã khiến cho nhiều đối tượng lợi dụng để khai thác cát trái phép.
Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu cát làm vật liệu xây dựng cũng như phục vụ cho các nhu cầu phát triển vẫn sẽ còn rất lớn và không ngừng gia tăng. Vì vậy, hoạt động khai thác cát vẫn sẽ diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có các biện pháp xử lý hiệu quả hơn.
Cát là tài nguyên không tái tạo, khai thác cạn kiệt sẽ vĩnh viễn mất đi. Vì vậy, nếu không được ngăn chặn triệt để thì tình trạng khai thác cát trái phép dẫn tới hậu quả đối với môi trường sinh thái sẽ rất lớn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!