Ngầm hóa hệ thống điện Hà Nội: Bất cập

Diệu Trang-Thứ tư, ngày 09/06/2010 16:00 GMT+7

Không phải đến thời điểm này, Hà Nội mới tiến hành ngầm hóa hệ thống điện. Công việc này đã được thử nghiệm từ cách đây cả chục năm và đến nay, nó đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Những “Búi rác” trên trời sắp được hạ ngầm.

Từ việc lão hóa hệ thống điện ngầm cho đến việc khắc phục của ngành điện khi sự cố xảy ra. Việc ngầm hóa là cần thiết để đảm bảo mỹ quan đô thị và được dư luận đồng tình, chỉ có điều các nhà quản lý cần phải tính hết các yếu tố phát sinh trong tương lai, bởi một lý do dễ hiểu, khắc phục khi đã chôn xuống khó khăn hơn rất nhiều so với việc sửa chữa lộ thiên như hiện nay.

Hàng Ngang - Hàng Đào là một trong ba tuyến phố được thử nghiệm ngầm hóa dây điện đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1999. Không ai phủ nhận các ưu điểm về mỹ quan khi các con phố được ngầm hóa thành công dù sau 10 năm hạ ngầm, hệ thống ở đây cũng đã có biểu hiện lão hóa.

Bà Phạm Thi Lan, Phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội): “Tôi thấy không ảnh hưởng gì, công tác khắc phục cũng nhanh hơn mà ngay cả tủ điện để giữa 2 nhà cũng không ảnh hưởng gì”.

Tuy nhiên, trong trường hợp con đường Âu Cơ, công trình chỉ vừa mới cơ bản hạ ngầm xong, còn nhiều nơi chưa hoàn thiện, nhưng đã bộc lộ những bất cập do khâu thi công ẩu - cáp chôn nông, vùi lấp vội vã, hoặc do thi công chậm khiến nhiều nơi bị cắt trộm cáp điện.

Điều đáng ngại nhất là hôm 28/3 vừa qua, tại đoạn đường qua khu vực phường Tứ Liên đã xảy ra sự cố chập gây mất điện, nhưng phải mất tới 1 ngày, đơn vị sửa chữa mới tìm ra điểm bị chập do đã bị chôn xuống dưới dất, không dễ phát hiện như khi còn là hệ thống dây lộ thiên. Sau sự kiện đó, dư luận thực sự lo lắng với câu hỏi, liệu chúng ta có tiên lượng được hết khả năng tăng trưởng phụ tải và công suất đường dây trước khi chôn chúng xuống đất?

Ông Hồ Viết Thống, Phó ban Kỹ thuật, Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết: “Việc tìm những điểm sự cố trong cáp ngầm thì khó khăn rất nhiều so với đường dây trên không, tất cả đã ngầm hóa nên rất khó phát hiện. Bình quân hàng năm, nhu cầu tiêu dùng sản lượng điện của dân tăng từ 3-15% và khi hạ ngầm, chúng tôi đã trao đổi với các đơn vị để tăng tiết diện của đường cáp ngầm so với đường dây trên không hiện có để đảm bảo rằng, từ 2-3 năm sau, tuyến đường cáp hiện nay vẫn có thể đáp ứng được. Còn với những năm xa hơn, thành phố cũng đã có chủ trương rải thêm những tuyến ống để dự trù cho điểm tăng trưởng phụ tải quá quy định, chúng tôi dự định sẽ kéo thêm đường cáp trong ống và trong các đường hỗ trợ”.

Chi phí để ngầm hóa lưới điện tốn kém gấp 5 lần đường dây trên không và kỹ thuật cũng như thời gian xử lý sự cố phức tạp hơn nhiều lần, nếu không kịp thời rút kinh nghiệm và có một cơ chế đầu tư, quản lý thích hợp thì không ai dám đảm bảo về chất lượng và tuổi thọ của các công trình ngầm.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước