Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ngành tư pháp trong năm 2018 đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn có những văn bản thiếu tính khả thi, vừa mới ban hành đã phải sửa đổi bổ sung, cùng với đó là tình trạng xin rút, xin lùi trình dự án Luật, số văn bản nợ đọng còn nhiều. Đây không phải là trách nhiệm của riêng Bộ Tư pháp mà tất cả các Bộ và địa phương cũng phải rút kinh nghiệm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh tới việc, thời gian qua, nhiều vi phạm trong quản lý Nhà nước về tài sản công, cổ phần hóa Nhà nước đã được phát hiện. Vậy trong những vụ việc này, những cán bộ làm công tác tư pháp với trách nhiệm là người gác gôn về pháp luật đã làm hết trách nhiệm trong việc góp ý, tham mưu cho các lãnh đạo đơn vị, địa phương hay chưa, hay góp ý rồi mà lãnh đạo không nghe?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn chứng những vụ tai nạn giao thông diễn ra gần đây đã làm người dân hoang mang, lo lắng. Việc không chấp hành pháp luật về giao thông chính là minh chứng cho hiện tượng nhờn luật. Từ đó, Thủ tướng đặt câu hỏi đối với Bộ Tư pháp là phải có giải pháp đột phá đề xuất với Chính phủ hoặc tự mình đưa ra những biện pháp thực thi pháp luật hiệu quả hơn.
Nhấn mạnh đến tinh thần của năm 2019 là phải bứt phá, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp phải giữ vai trò gác gôn cho Chính phủ trong các vấn đề pháp lý quốc tế để bảo vệ lợi ích quốc gia. Đồng thời, phải cùng với Chính phủ trong nỗ lực xây dựng hệ thống thể chế thuận lợi, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc lại một thực trạng là tại một số đơn vị, địa phương, lãnh đạo mới chỉ tập trung quan tâm đến các dự án, các vụ việc nóng nhưng đối với công việc hết sức quan trọng là xây dựng thể chế chính sách pháp luật còn hời hợt. Chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác tư pháp có nơi, có chỗ vẫn còn chưa hợp lý, mất công bằng.
Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp phải gương mẫu trong việc trình đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng các dự án được giao chủ trì, nếu không đảm bảo chất lượng hoặc bị chậm, thì phải kiểm điểm trước Thủ tướng. Cùng với đó, phải phối hợp với các Bộ khắc phục tình trạng ban hành nhiều văn bản pháp luật, để giảm bớt tính tầng nấc, cồng kềnh của hệ thống pháp luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!