Các liền chị, liền anh cao tuổi đã cống hiến trọn đời cho những làn điệu quan họ. (Ảnh: vnn.vietnamnet.vn)
Các anh hai Nguyễn Thừa Kế và Nguyễn Văn Đắc là những người đầu tiên tham gia CLB quan họ làng Duệ Đông và trực tiếp truyền dạy những lề lối, giọng điệu và cách chơi quan họ cho các thế hệ sau. Tuy nhiên, sự ghi nhận cho những cống hiến bền bỉ của người nghệ nhân già, vẫn chỉ mới dừng ở cấp tỉnh.
Khi được hỏi: “Đã bao giờ cụ nhận được sự ghi nhận nào đó từ bộ VH, TT & DL chưa?”,
Nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế, 93 tuổi, với 75 năm cống hiến và hát quan họ cho biết: “Có lẽ, Bộ chưa biết nên chưa ghi nhận cho chúng tôi. Chúng tôi rất mong muốn sẽ có sự công nhận của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của Nhà nước. Chúng tôi già sắp chết, phải để lại điều gì đó để con cháu sau này phát huy truyền thống, cũng là để những người dân trong làng phát huy, học tập, giúp phong trào quan họ của địa phương tốt lên”.
‘ (Ảnh: vnn.vietnamnet.vn)
Việc chậm trễ trong việc phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân quan họ không phải bây giờ mới được nhắc. Thực tế, thời gian qua, bộ VH, TT & DL vẫn đang xây dựng dự thảo Nghị định về: Quy định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ, đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú để trình Chính phủ ký ban hành.
Sau khi nghị định này ra đời, mới có thể bàn đến việc phong tặng danh hiệu cho nghệ nhân dân gian. Trong khi phải chờ đợi chính sách, các nghệ nhân, người nọ nối người kia, đã ra đi một cách lặng lẽ.
PGS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng viện Văn hóa, Nghệ thuật Việt Nam cho biết: “Họ rất xứng đáng được hưởng các chế độ đãi ngộ, bởi không có các nghệ nhân dân gian thì những người nghiên cứu như chúng tôi chẳng có gì để làm hồ sơ cả. Đây là điều mà bản thân tôi, với tư cách cán bộ nghiên cứu rất băn khoăn. Những năm qua, phải nói rằng, những chính sách thiết thực cho các nghệ nhân, chúng ta chưa làm được bao nhiêu".
Trong khi chờ đợi được tôn vinh và ghi nhận ở cấp cao hơn, thì vào 2010, tỉnh Bắc Ninh đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân ca quan họ Bắc Ninh cho 41 cá nhân tiêu biểu, kèm theo số tiền thưởng 5 triệu đồng mỗi nghệ nhân. Sau 3 năm, đã có 6 cụ về với tổ tiên, những người còn lại, ít tuổi nhất cũng đã 82 tuổi và nhiều nhất là gần 100 tuổi.
Ông Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng chế độ thù lao hàng tháng cho nghệ nhân dân ca quan họ. Đồng thời sẽ có chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho các cụ. Việc này đã giao cho Sở VH, TT & DL tỉnh Bắc Ninh tham mưu và dự kiến trình UBND tỉnh vào phiên họp tháng 3 năm nay”. Sự quan tâm của tỉnh Bắc Ninh có thể coi là niềm an ủi cho những người nghệ nhân quan họ già.
Hội Lim vừa rồi, ông Kế, ông Đắc đã cố gắng tổ chức một canh hát quan họ cổ. Các ông nói rằng, có lẽ, đây là canh hát cuối cùng của đời nghệ nhân. Tất nhiên, không ai mong muốn điều ấy, kể cả những người làm chính sách. Đừng để lễ phong tặng danh hiệu biến thành… lễ truy tặng.