Kể từ ngày trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1/1/1997), đến nay, Đà Nẵng đã đi một chặng đường dài tròn 20 năm. 20 năm ắt hẳn sẽ có nhiều đổi thay khiến người Đà Nẵng luôn tự hào về thành phố của mình. Bởi hơn ai hết, họ chính là những người thụ hưởng sự thay đổi của diện mạo một đô thị ven biển văn minh, hiện đại xứng tầm với một thành phố hạt nhân của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Cầu sông Hàn là chiếc cầu mang lại những ký ức một thời với ông Nguyễn Trí Tổng - một người dân Đà Nẵng. Ngày ấy, người cựu chiến binh này đã vận động các đồng đội của mình cùng đóng góp xây dựng cây cầu đầu tiên nối hai bờ sông Hàn kể từ ngày giải phóng. Nhìn qua bên kia sông, ông đã từng chạnh lòng. Còn hôm nay, với ông, chiếc cầu quay sông Hàn đánh dấu bước khởi đầu của một thành phố chuyển mình sang tầm vóc mới.
Nhiều con đường nhỏ, hẹp; những khu nhà ổ chuột một thời đã hoàn toàn biến mất. Thay vào đó, Đà Nẵng đã mở rộng thêm hơn 2.000 con đường xuyên qua các khu dân cư khang trang, những khu thương mại sầm uất. Điều khiến người dân Đà Nẵng tự hào với những người từ nơi khác đến thăm thành phố vẫn là những chiếc cầu. Không còn cảnh người dân ở Non Nước, Thọ Quang, Cổ Mân, Hòa Xuân phải vòng vèo hàng chục cây số để đi về khu trung tâm thành phố làm ăn, mưu sinh mỗi ngày. Những cây cầu không chỉ rút ngắn khoảng cách đi lại mà còn rút ngắn khoảng cách dân trí, kinh tế giữa người dân hai bên bờ sông Hàn.
20 năm, khoảng thời gian để một đứa bé trở thành một thanh niên tràn trề sức sống. Cũng như vậy, thành phố Đà Nẵng đã thay đổi vóc dáng đến không ngờ. Không chỉ người xa quê trở về, không chỉ du khách từ các nơi trong cả nước đến, ngay cả người dân Đà Nẵng nhiều khi cũng ngỡ ngàng trước sự thay đổi của quê hương mình. Nếu ai hỏi rằng vì sao Đà Nẵng làm được điều này, người dân sẽ tự hào trả lời: chính nhờ sức mạnh đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!