Người dân đồng bằng sông Cửu Long ngóng... lũ

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 04/09/2016 22:01 GMT+7

VTV.vn - 5 năm trở lại đây, ĐBSCL gần như không có lũ, nguồn tích nước cạn kiệt đẩy ĐBSCL vào thế phải đối diện với hạn, nước mặn xâm nhập sớm.

Người dân ĐBSCL đã hứng chịu thiên tai khốc liệt nhất trong vòng 60 năm qua. Hơn 200.000 ha lúa bị thiệt hại, khoảng 9.000 ha cây ăn quả và hơn 2.000 ha thủy sản bị ảnh hưởng, chưa kể hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Nhưng chưa thoát khó khăn này, người dân nơi đây lại tiếp tục có thêm nỗi lo mới là hiện tượng lũ chậm về. Sinh kế của hàng triệu người dân vốn dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thuỷ sản đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Lũ không về, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên không phát huy được vai trò là túi trữ nước điều tiết cho miền Tây. Nước không về, phù sa không bồi đắp, không thau chua rửa phèn, nguồn thủy sản cũng không về theo lũ, xâm nhập mặn sẽ tiến sâu hơn vào đất liền.

Người dân đồng bằng sông Cửu Long ngóng... lũ - Ảnh 1.

Mực nước lũ về ngày càng thấp.

Theo cục phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT, trước năm 2011, bình quân 2 năm, ĐBSCL có 1 năm lũ lớn vượt báo động 3. Thậm chí có nhưng năm lũ lớn liên tiếp, kéo dài 4 - 5 tháng.

Điểm lại các mùa lũ những năm gần đây ở ĐBSCL, ba năm liên tiếp từ 2000 - 2002 có lũ lớn, trong đó năm 2000 là lũ lịch sử. Tại Tân Châu, đỉnh lũ năm 2000  là 5,06m. Thế nhưng 7 năm liên tiếp, từ 2003 - 2009, ĐBSCL chỉ có lũ dưới trung bình, trong đó mực nước lũ tại Tân Châu năm 2008 chỉ đạt 3,65m, đến năm 2015 mực nước chỉ đạt 2,17m.

ĐBSCL có diện tích gần 40.000km2, dân số hơn 18 triệu người, là vùng kinh tế hết sức quan trọng của đất nước. Sản lượng lúa chiếm trên 50%, trong đó chiếm tới 95% lượng gạo xuất khẩu, sản lượng thủy sản chiếm 65% và sản lượng cây ăn trái chiếm 70%. Nhưng vùng đất này đang bị đe dọa nghiêm trọng. Không có lũ, ĐBSCL sẽ không còn là mảnh đất cá tôm đầy đồng, phù sa bồi đắp, trái ngọt quanh năm. 

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước