Người dân khốn khổ vì ớt chết hàng loạt

Phương Anh -Thứ bảy, ngày 23/03/2013 17:43 GMT+7

Mặc dù người dân vớt vát thu hoạch được một ít ớt giống Trung Quốc nhưng thương lái cũng không chịu thu mua. (Ảnh: tuoitre.vn)

 Gần đây, tại 2 huyện Duy Xuyên và Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, hàng loạt diện tích ớt bị chết do sử dụng giống kém chất lượng.

Sau hơn một năm chăm bón, hàng loạt diện tích trồng ớt của bà con nông dân gần đến ngày thu hoạch bỗng trở nên hư hại và chết hàng loạt… Những cánh đồng ớt đang dần trở thành những cánh đồng bị bỏ không. Ớt chết, thương lái bỏ mặc không thu mua, nhiều gia đình nông dân nghèo bỗng chốc trở thành con nợ, không biết xoay chuyển đâu ra khoản tiền mà trước đó họ đã ứng để mua vật tư, phân bón.

Ông Nguyễn Cường, thôn Thanh Châu, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên chua chát cho hay: “Nông dân chúng tôi đã nghèo lại càng nghèo, không hiểu là loại giống gì được đưa về trồng mà lại chết hết như vậy, toàn những gia đình khó khăn”.

Tại những vùng trồng ớt lớn của huyện Duy Xuyên, trong khi hàng loạt các giống ớt khác phát triển rất tốt thì với những ruộng ớt trồng giống ớt 417 và Hoa Sen vừa được huyện Duy Xuyên khuyến khích bà con nông dân trồng đã bị chết.

Giống ớt 417, là giống ớt mà địa phương đã ký hợp tác với công ty TNHH một thành viên Tín Lộc để hỗ trợ nguồn giống và tìm đầu ra cho bà con nông dân. Tuy nhiên cứ mỗi hecta ớt, ước tính nông dân đã bị thiệt hại hơn chục triệu đồng.

Bà Huỳnh Thị Bằng là cán bộ khuyến nông của thôn Thanh Châu, huyện Duy Xuyên. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, bà cũng đã tham gia cấp phát giống cho nông dân. Chính bà Hằng, trong giai đoạn này cũng vừa bị mất trắng khoảng 20 chục triệu do 2 sào ớt của gia đình bị chết, lại vừa phải đi giải quyết hậu quả cho nông dân.

Bà Bằng cho biết: “Nông dân nghe giống mới tìm đến tôi, tôi cấp 60 gói. Tôi nghĩ do giống chứ bản thân tôi cũng nắm kỹ thuật rất vững và làm rất đúng với kỹ thuật yêu cầu nhưng vẫn bị chết. Công ty đưa giống cũng không nghĩ ớt sẽ chết, xã đưa về cũng không nghĩ như vậy”.

Cũng theo lời bà Hằng, trong bản hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương không có điều khoản: “Nếu ớt chết, nông dân sẽ được hỗ trợ”.

Qua kiểm tra, hàng loạt diện tích ớt bị chết không chỉ xuất phát từ việc người dân sử dụng nguồn giống trôi nổi từ Trung Quốc mà còn có cả nguồn giống lai Hàn Quốc. Điều đáng nói là nguyên nhân của việc ớt chết hàng loạt còn có cả sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn giống cây trồng.

Hơn nữa, mặc dù trước đây đã tuyên truyền người dân trồng giống ớt mới nhưng lúc này khi xảy ra tình trạng ớt chết hàng loạt thì tình trạng này được xem như một sự cố hay là sự tắc trách khi các giống ớt được đưa vào trồng đại trà nhưng lại chưa qua hội thảo và trồng khảo nghiệm.

Không ít tư thương đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, cấp phát giống ớt Trung Quốc cho người dân tại 2 huyện Duy Xuyên và Đại Lộc. Kết quả, nhiều diện tích ớt cũng rơi vào tình trạng chết hàng loạt.

Vụ ớt Đông - Xuân là vụ mùa chính mang lại thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân. Trong khi chính quyền địa phương chưa có cách giải quyết vấn đề thì với tình trạng ớt chết hàng loạt, tư thương cũng bỏ mặc, không biết nông dân sẽ ra sao?

Bên cạnh đó, với cung cách quản lý, kiểm tra, kiểm soát thiếu chặt chẽ nguồn giống cây trồng tại nhiều địa phương như hiện nay, không biết trong tương lai sẽ còn bao nhiều vụ mùa nữa nông dân sẽ phải chịu thiệt thòi mà không biết dựa vào ai.


Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước