Giải đáp thắc mắc này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: "Chủ trương cách ly ở những cơ sở gần với địa điểm người dân, hành khách về. Ví dụ, nếu ở biên giới phía Bắc, người dân sẽ được cách ly ở những đơn vị tại các tỉnh phía Bắc. Nếu xuống Hà Nội, sân bay Nội Bài thì Bộ Tư lệnh Thủ đô là đơn vị được giao tổ chức cách ly cho người từ vùng dịch trở về. Nếu hạ cánh ở Vân Đồn hay Khánh Hòa, Cần Thơ thì được giao cho Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh đó. Trong trường hợp hết điểm cách ly có thể điều phối sang những tỉnh lân cận. Nguyên tắc càng gần, tránh di chuyển càng nhiều càng tốt. Bộ Quốc phòng đã được Chính phủ giao việc điều phối trong việc điều hành cách ly".
Hiện có một số đơn vị, thậm chí các là cơ sở tôn giáo đề nghị được tham gia cách ly cho những người từ vùng dịch về, theo ông điều này có hợp lý hay không?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Trước tiên, chúng tôi đánh giá cao và cảm ơn các tổ chức hoặc cá nhân tự nguyện tham gia vào việc phòng chống dịch nhưng chúng tôi nghĩ rằng, việc cách ly không chỉ là cung cấp nơi ăn, chốn ở mà quan trọng đây là việc hết sức khoa học như không để lây lan những bệnh mình đang muốn cách ly kể cả những việc truyền nhiễm khác, cho những người khác và trong cộng đồng khi được cách ly. Chính vì vậy phải thực hiện các điều kiện đảm bảo cho cơ sở đó đồng thời phải tiến hành các hoạt động hàng ngày như khử khuẩn, xử lý chất thải, các vấn đề đảm bảo cho môi trường luôn trong sạch… Một việc rất quan trọng là phải có cán bộ y tế để hướng dẫn, tư vấn cho những người được cách ly, theo dõi sức khỏe đồng thời cán bộ y tế tiến hành khám sức khỏe cho những người được cách ly.
Việc này, Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng và trực tiếp là Quân y phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành khác để thực hiện việc cách ly. Tôi cho rằng, Bộ Quốc phòng đã làm rất tốt vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!