Những ngày qua, số ca mắc bệnh tay chân miệng không ngừng tăng lên, trong đó số trẻ mắc bệnh nặng chuyển đến từ các tỉnh chiếm khoảng 60% khiến các bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM rơi vào quá tải.
Cùng với đó, do thời tiết chuyển mùa, số trẻ em mắc bệnh sởi, sốt xuất huyết cũng đã bắt đầu tăng lên. Các chuyên gia y tế liên tiếp đưa ra những cảnh báo về nguy cơ dịch chồng dịch trong thời điểm này.
Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng lưu hành và gặp tại hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận cao vào tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, đặc biệt là mùa đầu năm học mới.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận hơn 53.000 trường hợp mắc tay chân miệng và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Hiện chưa có vaccine phòng chống bệnh tay chân miệng, để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước nhiều lần trong ngày.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, mút đồ chơi.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc người mắc bệnh.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!