Theo thống kê của tỉnh Cà Mau, hiện tỉnh này đang có 4.000 dân sống ở khu vực sạt lở và cần phải di dời. Phần lớn các hộ dân ở đây đang sống trong những ngôi nhà khá rách nát, mong muốn của họ là có một nơi ở mới. Nhưng thực tế, khi đến nơi ở mới, họ lại muốn quay về nơi ở cũ, bởi môi trường của nơi ở mới chưa đảm bảo vấn đề mưu sinh cho họ.
Ngôi nhà ông Hoàng (xã Kháng Tiến, U Minh, Cà Mau) đang ở gần sát bờ biển, có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Thế nhưng đến giờ, cả nhà ông vẫn chưa thể dời khỏi nơi đây để đến nơi ở mới an toàn hơn bởi có đất nhưng ông không biết lấy tiền đâu để làm nhà, trong lúc vẫn phải chạy ăn từng bữa.
Còn gia đình chị Hạnh (khu tái định cư Hương Mai, U Minh, Cà Mau) may mắn hơn vì có tiền làm được nhà mới trong khu tái định cư. Ở thì thích, nhưng việc làm ăn lại bất tiện. Do nơi ở mới xa bến thuyền tới nửa cây số, nên mỗi lần đi biển, vợ chồng chị phải kéo theo cả đồng đồ nghề. Trong khi trước đây, nhà sát biển, vừa không phải lôi kéo, vừa dễ trông coi. Hiện hàng đêm vợ chồng chị phải cắt cử nhau ở trong chiếc chòi để trông.
Nhiều gia đình không có người trông thuyền đành phải chọn phương án mang thuyền về nhà, khi nào ra biển lại hò người khiêng ra.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng thừa nhận, do không bố trí được kinh phí, nên phần lớn các dự án khu tái định cư vẫn dở dang. Mới chỉ có đường, điện, còn trường học, trạm xá, chợ vẫn chưa được đầu tư, làng ngh cũng chưa có, nên người dân có xu hướng quay về nơi ở cũ để mưu sinh.
Từ nay đến năm 2020, Cà Mau sẽ phải bố trí 1.200 tỷ đồng để di dời gần 6.000 hộ sống trong khu vực nguy cơ sạt lở cao. Cái khó là chỗ, do bờ biển dài, lực lượng quản lý mỏng nên khi biết có chính sách tái định cư cho dân vùng sạt lở, một số hộ đã tự ý kéo nhau dựng nhà tại các khu sạt lở để được hưởng chính sách phân đất, rồi bán xuất tái định, gây khó khăn cho công tác quản lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!