Bắt đầu từ 1/6, những người không có bảo hiểm y tế sẽ phải trả phí khám chữa bệnh cao hơn rất nhiều, có thể gấp 3 - 4 lần hiện nay.
Hiện tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của nước ta đã đạt 82% dân số, tuy nhiên có tới 65% là từ ngân sách Nhà nước. Điều này cho thấy người dân mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình chiếm tỷ lệ rất thấp.
Không có bảo hiểm y tế, nếu không may bị bệnh, nhiều người sẽ đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài, từ đó đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ.
Mỗi ngày điều trị rắn độc cắn của bệnh nhân Lại Văn Hùng lên tới vài chục triệu đồng. Chi phí điều trị quá cao, bệnh nặng, không thể vay mượn thêm để chạy chữa, gia đình đành viết đơn xin cho bệnh nhân về.
Chưa tính đến chi phí ở tuyến dưới, chỉ riêng ở Bệnh viện Bạch Mai, một bệnh nhân đã phải chi trả 240 triệu đồng. Từ 1/6 tới, khi viện phí tăng, những ca bệnh tương tự như thế này có thể phải trả tới cả tỷ đồng để chữa bệnh. Đại học Y tế Công cộng đã đưa ra một nghiên cứu: 400.000 hộ gia đình không tham gia bảo hiểm y tế sẽ có nguy cơ bần cùng hóa vì gánh nặng viện phí.
Ca mổ tim của bệnh nhân Đinh Thị Thủy (Uông Bí, Quảng Ninh) hết khoảng 200 triệu đồng - xấp xỉ với số tiền mà anh Hùng phải chi trả khi bị rắn cắn. Nhưng gia đình chỉ phải thanh toán khoảng 45 triệu đồng. 10 năm qua, bà Thủy luôn mua bảo hiểm y tế đều đặn dù bà chỉ là người bán hàng xén và thu nhập không cao.
Tại viện Tim mạch Việt Nam, có những bệnh nhân được bảo hiểm thanh toán lên tới 500 triệu đồng chỉ với mức phí 650.000 đồng/năm.
Thẻ bảo hiểm y tế khi không có bệnh, nó chỉ là một tấm giấy. Nhưng đây lại điểm tựa tài chính của tất cả mọi người, đặc biệt là người có mức thu nhập thấp khi họ gặp rủi ro về sức khỏe.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!