Nhiều căn hầm thuộc các khu chung cư là nơi lắp đặt các bốt điện, dàn tản nhiệt điều hòa, nếu xảy ra tình trạng chập cháy, hàng trăm chiếc xe máy chứa đầy xăng sẽ có nguy cơ cháy nổ. Ngoài ra tình trạng bảo vệ thường xuyên nhận trông giữ xe của khách vãng lai qua đêm dẫn đến việc nhiều căn hầm để xe quá tải, số lượng xe trông giữ ngày đêm lên đến cả nghìn chiếc, gây khó khăn trong công tác cứu hộ nếu xảy ra cháy.
Nhiều hầm chung cư để xe rất chật chội, đông đúc, nếu xảy ra hỏa hoạn rất khó tiếp cận
Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC đội số 2, Công an TP Hà Nội cũng nhận định: "Ở những căn nhà chung cư hay nhà ống nếu xảy ra hỏa hoạn ở tầng dưới sẽ rất nguy hiểm, nguy hiểm ở đây không phải là lửa mà là do khói. Đôi khi, lửa chưa đến nhưng khói mù mịt cũng có thể gây tử vong vì ngạt thở hoặc hít phải khí độc".
Chị Kim Dung sống tại chung cư CT12, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: "Hầm chung cư tôi sống không chỉ chứa xe của những người sinh sống và làm việc tại đây mà còn nhận nhiều xe của người ngoài. Khu hầm còn để cả bốt điện, không khí nóng nực và rất bí. Tôi nghĩ rằng, nếu không cẩn thận, để hỏa hoạn xảy ra thì chắc chắn cả khu hầm sẽ bị thiêu rụi dễ dàng vì có rất nhiều xe máy".
Xe máy tại các tầng hầm chung cư được dựng gần hệ thống điện, tản nhiệt của điều hòa nên nóng nực và rất bí, dễ xảy ra hỏa hoạn.
Anh Hoàng Nam, sống tại chung cư CT4A khu đô thị Xa La, Hà Nội cho biết: "Chúng tôi sống ở chung cư sợ nhất là xảy ra cháy nổ, rất khó để thoát thân nếu ở tầng cao. Đặc biệt là nếu xảy ra cháy nổ ở tầng hầm thì không lường hết được hậu quả, thiệt hại về của cải là không nhỏ, chưa kể đến đám cháy có thể bốc lên theo đường thông hơi, đường thang máy, rất nguy hiểm.
Nhưng thực tế, ở các tầng hầm thuộc các khu chung cư luôn đặt bốt điện, trạm điện công suất lớn để chạy khi tòa nhà mất điện. Nếu xảy ra chập cháy, tia lửa điện bắn vào xe máy sẽ dễ gây cháy nổ lớn, trong khi tầng hầm là nơi rất khó tiếp cận".
Nhiều xe để ngay cạnh trạm biến áp, nếu tia lửa điện bắn ra bén vào xe máy sẽ rất nguy hiểm
Anh Nam cũng có biết, anh đã từng thoát khỏi đám cháy tại chung cư CT4A vào hồi tháng 10/2015. Đám cháy bốc lên từ tầng hầm của tòa nhà, sau đó lan lên các tầng trên cao. Nguyên nhân của đám cháy được xác định là do chập điện ở tầng hầm khiến 200 chiếc xe máy bị thiêu rụi, 2 ô tô bị hư hỏng nhẹ và có 3 người bị ngạt khói phải đưa đi cấp cứu.
Hàng loạt xe máy cháy trơ khung sau vụ hỏa hoạn tại chung cư Xa La.
Trước đó, vào tháng 9/2015, tại chung cư CT5 Xa La - Hà Đông cũng xảy ra hỏa hoạn, lửa phát ra từ hộp điện tại một tầng trên cao thuộc tòa nhà. Tuy nhiên, hệ thống báo cháy lại không hoạt động, chỉ khi khói bốc lên các tầng trên dày đặc thì người dân mới phát hiện. May mắn là không có nhiều thiệt hại trong vụ việc này.
Vào tháng 10/2016, một căn hộ thuộc tầng 8 khu chung cư tại Linh Đàm, Hà Nội cũng xảy ra cháy khi chủ nhà đi vắng. Người dân chỉ phát hiện vụ việc khi khói bốc mạnh và lan lên những tầng cao vì hệ thống chuông báo cháy không hoạt động.
Điều này đặt ra câu hỏi lớn về công tác phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư cao tầng khi các tầng hầm thường xuyên quá tải lượng xe máy và nơi đây cũng thường đặt những bốt điện có thể xảy ra tình trạng chập cháy bất cứ lúc nào. Ngoài ra, hiệu quả của những thiết bị báo cháy cũng là một dấu hỏi lớn chưa được giải đáp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!