Tại nhiều khu vực ở ĐBSCL, bà con chắt chiu từng giọt nước mưa để dùng hoặc phải mua nước với giá đắt để sử dụng. Còn ở xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, để trụ được qua mùa khô hạn, người dân ở đây chỉ còn cách duy nhất là đổi nước.
Một số người có điều kiện đã đứng ra mua xe, bồn chứa rồi bơm nước ngầm lên, chở đến tận nhà bán lại cho bà con. Tùy lượng nước và quãng đường, mỗi xe như vậy có mức giá khác nhau, từ 70.000 - 100.000 đồng. Đối với người dân, việc đổi nước giá tuy cao nhưng có còn hơn không, vấn đề là nguồn nước ngọt lấy ở đâu và chất lượng như thế nào.
Để giải bài toán thiếu nước, các tỉnh ĐBSCL đã chủ động hơn trong việc dự trữ nguồn nước ngọt. Việc này từng bị xem là lạ đời ở vùng sông nước, nhưng nó lại đang phát huy hiệu quả tích cực tại tỉnh Bến Tre. Theo đó, tỉnh Bến Tre đã chủ động được nguồn nước ngọt cho 200.000 hộ dân. Ngoài ra, các địa phương cũng tập trung mở rộng mạng lưới cấp nước nông thôn. Hàng trăm nhà máy nước được xây dựng ở khu vực ven biển để giải "cơn khát" của người dân trong mùa nắng hạn.
Tuy đã cải thiện nhưng tỷ lệ sử dụng nước sạch của vùng vẫn chưa cao. Do vậy, các tỉnh ĐBSCL vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó có một số trở ngại lớn cần phải khắc phục để cung cấp đủ nước ngọt sinh hoạt cho người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!