Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh - Nhà lãnh đạo xuất sắc với nhiều dấu ấn

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 28/04/2019 20:13 GMT+7

VTV.vn - Cuộc đời hoạt động của Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam.

Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2015, đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 95 ngày sinh của mình, Đại tướng Lê Đức Anh kể rằng cuộc đời binh nghiệp của ông đi qua 4 cuộc chiến, từ năm 1945 đến cuộc chiến cuối cùng năm 1989, ông cũng có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất và gắn bó nhiều với Nam Bộ.

Trong ký ức của Đại tướng Phạm Văn Trà, người thủ trưởng Lê Đức Anh là người quyết đoán. Vào thời điểm khó khăn nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau cuộc Tổng tiến công và nội dậy Xuân Mậu Thân 1968, với vai trò Tư lệnh Quân khu 9, đồng chí Lê Đức Anh luôn bám sát chiến trường và đưa ra những quyết định quan trọng, giữ được vai trò chiến đấu của quân khu.

Tháng 4/1974, Đại tá Lê Đức Anh được thăng quân hàm vượt cấp lên Trung tướng. Đất nước thống nhất năm 1975, nhưng rồi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Trung tướng Lê Đức Anh lại một lần nữa xông pha trận mạc, chỉ huy quân đội đánh bật quân Pol Pot sang bên kia biên giới và góp phần giúp dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Thủ tướng Campuchia Hunsen cho biết: "Chúng tôi quen biết nhau khi cùng điều trị ở Bệnh viện Thống Nhất. Lúc này, ông Lê Đức Anh đã chuyển từ Quân khu 9 sang Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7. Ông hỏi về công việc chuẩn bị xây dựng lực lượng của chúng tôi. Mỗi buổi chiều tôi thấy có một nhóm chỉ huy từ 2-3 người lấy bản đồ đến báo cáo với ngài Lê Đức Anh. Mặc dù Việt Nam thời điểm này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng việc xây dựng lực lượng của chúng tôi trên địa bàn Quân khu 7 được xây dựng với tốc độ rất nhanh, quá sức tưởng tượng của tôi là nhờ sự tạo điều kiện của ngài Lê Đức Anh cũng như lãnh đạo của Quân khu 7".

Trưởng thành từ một người lính, người chỉ huy qua nhiều trận đánh, rồi sau này khi là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Lê Đức Anh thấu hiểu hơn ai hết những mất mát, hy sinh để có ngày toàn thắng. Sau này trên cương vị Chủ tịch nước ông đã đề xuất việc phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", mà như ông đã xúc động kể lại trong hồi ký "đây là lần đầu tiên trong đời, ông được đi bên các mẹ duyệt hàng quân danh dự trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cho biết: "Đồng chí Lê Đức Anh bao giờ cũng quan tâm hai mặt của vấn đề tức là chiến đấu và chăm lo đời sống cũng như chính sách hậu phương quân đội đối với cán bộ chiến sĩ, những gia đình có công với nước một cách rất chu đáo và gây ấn tượng. Tuyên dương mẹ Việt Nam anh hùng là một chính sách đầy tính nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta mà cho đến ngày nay không những cách thế hệ thời chiến tranh mà các thế hệ sau này cũng đều cảm nhận được".

99 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, trải qua các cương vị khác nhau, cuộc đời của Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã để lại hình ảnh một người lính, một vị tướng xông pha trận mạc, một nhà lãnh đạo có hoạt động thực tiễn sôi nổi, sâu sát, có tư duy sáng tạo và quyết đoán.

Đại tướng Lê Đức Anh: Nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc Đại tướng Lê Đức Anh: Nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc

VTV.vn - Vị tướng cuối cùng trong số những tướng lĩnh chỉ huy các mũi tiến công của quân và dân ta tiến về giải phóng Sài Gòn 30/4/1975, đã ra đi mãi mãi vào ngày 22/4 vừa qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước