Bệnh viện Hà Đông tổ chức họp báo chiều ngày 10/5 để làm rõ nguyên nhân khiến bệnh nhân Vương Đình Cường sống tại Hà Nội bị tử vong sau khi mổ tay.
Phía Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết, bệnh nhân vào khoa Chấn thương hồi 2h20 ngày 9/5, với lý do đau nhói và mất vận động cánh tay phải do ngã. Tại đây, bệnh nhân được làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết và được chẩn đoán gãy kín phức tạp cánh tay phải, được hội chẩn và chỉ định phẫu thuật kết hợp xương.
Trước khi kết thúc cuộc mổ, vào khoảng 13h30 bệnh nhân xuất hiện diễn biến bất thường: suy hô hấp, huyết áp tụt. Kíp mổ đã khẩn trương cấp cứu hồi sức tích cực, hội chẩn liên viện, mời bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện 103 hỗ trợ chuyên môn - đây là bệnh viện gần với bệnh viện Hà Đông nhất.
Tuy nhiên, sau hai giờ cấp cứu và hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhân không cải thiện và đã tử vong lúc 16h ngày 9/5; chẩn đoán: suy hô hấp - suy tuần hoàn không hồi phục chưa rõ nguyên nhân. Ngay sau khi bệnh nhân tử vong, bệnh viện đã tiến hành triển khai gặp gỡ người nhà bệnh nhân, giải thích sự việc, đồng thời báo cáo cho Công an phường Quang Trung, Công an Quận Hà Đông, tạm đình chỉ công tác kíp phẫu thuật và gây mê.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn có một số nhận định ban đầu về nguyên nhân khiến bệnh nhân Vương Đình Cường bị tử vong sau mổ tay: "Gãy xương cánh tay về cơ bản là tổn thương không quá lớn nên việc chẩn đoán và chỉ định phẫu thuật xương cùng mảng tăng sáng cơ bản là đúng về mặt chỉ định và kỹ thuật. Kíp phẫu thuật là bác sĩ có kinh nghiệm trên 20 năm, nên tôi cho rằng khâu chẩn đoán, chỉ định và điều trị phẫu thuật là hợp lý và đúng. Diễn biến của bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật là bị suy hô hấp. Ở bệnh nhân này về gây mê hồi sức thì có hai lựa chọn, một là gây tê đóng rốn, hai là gây mê nội khí quản. Trong đó, gây mê nội khí quản là phương pháp an toàn nhất để kiểm soát được đường hô hấp và tim của bệnh nhân".
"Trong quá trình gây mê, bệnh nhân cứ liên tiếp suy hô hấp không giải thích được. Các bác sĩ cũng có đánh giá liệu bệnh nhân có nguy cơ tràn khí, tràn màng phổi không và đã chọc dò kiểm tra nhưng không có", ông Dũng giải thích.
"Tình trạng suy hô hấp nhưng không thay đổi huyết động, về mặt chuyên môn chúng tôi nghĩ đến đầu tiên là nguy cơ tắc mạch phổi. Việc này đối với thương tổn gãy xương, thực tiễn đã từng xảy ra đối với cả những bệnh viện lớn như Việt - Đức. Có trường hợp bệnh nhân còn chưa kịp đưa dụng cụ mổ vào, bệnh nhân đã bị suy hô hấp, dẫn đến tử vong. Suy hô hấp đa phần bị ở những người trẻ. Để hỗ trợ chính xác hơn chúng ta phải chờ kết quả của pháp y".
Như vậy, theo nhận định từ phía ông Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, nguyên nhân xác định ban đầu là do bệnh nhân bị tắc mạch phổi, dẫn đến suy hô hấp, tử vong.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!