Bản sắc văn hóa là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc. Việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân gian nhiều năm nay luôn có bóng dáng của những nhà nghiên cứu tâm huyết, cống hiến thầm lặng, trong đó có nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên với công trình sưu tầm và nghiên cứu hơn 30 năm về văn hóa phi vật thể Chăm, Raglai.
Những tháng ngày rong ruổi khắp các nẻo đường quê, đến những thôn làng xa xôi, hẻo lánh nhất của tỉnh Ninh Thuận đã mang về 12 công trình nghiên cứu được đánh giá là "báu vật" trong kho tàng văn hóa Chăm cho nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên. Cứ liệu thuyết phục qua 30 năm điền dã của ông đã chứng minh được người Raglai có sử thi. Bộ sử thi dày trên 2.000 trang cùng 5 bộ sử thi khác đã được biên dịch là tài sản quý bổ sung vào kho tàng sử thi Tây Nguyên.
Những người Raglai đã quá quen thuộc với hình ảnh của ông, gọi ông là Amar với ý nghĩa người cha của buôn làng. Đó cũng chính là hạnh phúc lớn nhất đối với nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên. Nét đẹp từ tri thức dân gian, từ những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc là nền tảng hun đúc những tình cảm lớn dành cho mọi miền đất nước.
Ở cái tuổi "gần đất xa trời", lại mang trong mình bệnh tật hiểm nghèo nhưng chưa khi nào nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên có ý định dừng công việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, nghệ thuật dân gian.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!