Nhật ký của liệt sỹ khép lại ở tuổi 20

Thượng tá Trần Thanh Hằng - Nguyên cán bộ Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam-Thứ tư, ngày 26/07/2017 07:19 GMT+7

VTV.vn - Cuốn nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Tá Lập dừng lại ở tuổi 20, thời điểm người thanh niên ấy tràn trề nhựa sống và đầy mơ ước.

Hãy nhớ mãi ngày Rằm tháng Bảy nhé!

Theo quy định của đơn vị phải giữ bí mật tuyệt đối, tất cả giấy tờ phải gửi lại miền Bắc. Trước ngày vào chiến trường, Nguyễn Tá Lập đã gửi về cho em trai Nguyễn Tá Sửu cuốn sổ chép bài hát, cuốn nhật ký và một bức ảnh chân dung. Anh viết những dòng cuối cùng: "Em hãy ở lại trên miền Bắc thân yêu. Kế tục sự nghiệp của anh, em sẽ viết vào cuốn sổ này và em sẽ viết cuộc sống của em vào đây. Nhớ viết ngắn gọn và đủ ý, vì thời gian gấp, em ở lại mạnh khỏe, đầy nghị lực chiến đấu và nhớ bảo quản các quyển nhật ký của anh cẩn thận em nghe… Hãy nhớ mãi ngày Rằm tháng Bảy nhé!".

Nhật ký của liệt sỹ khép lại ở tuổi 20 - Ảnh 1.

45 năm sau, đúng vào tháng 7, Ông Nguyễn Tá Thìn - anh trai liệt sỹ Nguyễn Tá Lập - đã lặn lội từ Thuận Thành lên Hà Nội để trao tặng những kỷ vật của em trai Nguyễn Tá Lập cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ông xúc động chia sẻ: "Lập là con trai thứ hai trong gia đình, chú ấy học giỏi nhất nhà. Bố mẹ tôi đặt hết hy vọng vào Lập. Tốt nghiệp phổ thông, Lập cắt tay lấy máu viết đơn xung phong đi bộ đội, mặc dầu thuộc diện hoãn vì gia đình đã có một con trong quân ngũ. Nhưng chú ấy cứ nhất quyết đi cho bằng được".

"Ngày 25/5/1965, sau khi lên huyện nhận quyết định nhập ngũ, Lập về trình bày với bố mẹ tôi - Chiến tranh đã lan rộng ra miền Bắc, vận mệnh đất nước đứng trước những thử thách rất nghiêm trọng. Đánh Mỹ và thắng Mỹ trở thành nghĩa vụ cứu nước khẩn cấp, thiêng liêng nhất đối với mỗi người Việt Nam. Xin bố mẹ cho con nhập ngũ. Nghe nói vậy, bố, mẹ tôi động viên em lên đường, mong cho chân cứng đá mềm, hẹn trở về ngày đất nước hòa bình. Từ lúc gửi những kỷ vật này về cho gia đình, em tôi không có thư từ, tin tức gì. Suốt 10 năm, gia đình tôi mong ngóng, đợi chờ thấp thỏm mỗi khi trong xã tổ chức lễ truy điệu liệt sỹ…".

Nhật ký của liệt sỹ khép lại ở tuổi 20 - Ảnh 2.

Ngày 30/4/1975, Sài Gòn giải phóng. Chiến tranh kết thúc, nhà nhà mừng vui đón chồng, con từ chiến trường trở về. Những trai làng cùng nhập ngũ với Lập một số đã trở về, một số đã có giấy báo tử. Riêng Lập vẫn bặt tin. Mẹ tôi khóc hết nước mắt. Bà giục tôi đi tìm bạn bè của Lập hỏi thăm. Nghe tin Nguyễn Trọng Hài, người cùng nhập ngũ một ngày với Lập đã trở về. Tôi vội đến thôn Dực My, xã Hoài Thượng tìm Hài.

"Em và Lập cùng nhập ngũ một ngày, cùng ở với nhau từ khi nhập ngũ cho đến khi hành quân vào miền Nam. Tháng 10/1966, đơn vị bổ sung quân cho các đơn vị, hai đứa em được điều về Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn Quyết Thắng. Rồi bọn em tham gia các trận đánh. Em còn nhớ, đêm hôm đó, trời rất tối, đơn vị của chúng em bí mật tiếp cận chốt địch ở Đường Nước, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Khi cách chốt địch khoảng chưa đầy 10 mét, đại đội trưởng hô - Tất cả ném lựu đạn!",  Hài cho biết.

"Lựu đạn bay đi cũng là lúc tên lính ở trạm gác phát hiện tiếng động, bắn một loạt trung liên vu vơ. Lập bị thương vào đầu bằng loạt đạn ấy. Y tá đơn vị kịp băng bó cho Lập. Khoảng 5 phút sau, đơn vị diệt gọn chốt địch, quay lại đưa Lập về hậu phẫu. Vết thương vào sọ não quá nặng, dọc đường Lập đã tắt thở. Đơn vị truy điệu, mai táng Lập tại chỗ…".

Kể đến đây, ông Thìn lặng đi. Chiến tranh là vậy, rất nhiều trường hợp sót như vậy. Không còn cách nào khác, tôi tìm đến Cục Quân lực, Bộ Quốc phòng. Trở về, tôi đi khắp làng trên, xóm dưới, tìm đồng đội cũ của Lập xin xác nhận về hoàn cảnh hy sinh để ghi vào phiếu phát hiện của Cục Quân lực cung cấp. 

Nhật ký của liệt sỹ khép lại ở tuổi 20 - Ảnh 3.

Sau hai tháng gửi đơn đề nghị, kèm theo giấy xác nhận của đồng đội và đơn vị của Lập, ngày 01/9/1976, gia đình tôi nhận được giấy báo tử số 1937 do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Bắc gửi báo tin: Đồng chí Nguyễn Tá Lập, quê xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc; nhập ngũ tháng 5/1965; chức vụ Tiểu đội trưởng; cấp bậc hạ sỹ; đơn vị thuộc P2; đã hy sinh ngày 1/7/1967; trong trường hợp chiến đấu; được công nhận là liệt sỹ; được khen thưởng Huân chương chiến công giải phóng. Đồng chí Lập mất đi, Tổ quốc và nhân dân mất một người con trung hiếu, đơn vị mất một đồng chí, gia đình mất một người thân yêu. Toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị vô cùng thương tiếc đồng chí và xin chân thành chia buồn cùng gia đình. Mong gia đình biến đau thương thành hành động cách mạng, góp phần cùng toàn dân, toàn quân phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Ngoài giấy báo tử, gia đình tôi còn nhận số tiền sinh hoạt phí của Lập là 37 đồng.

Người đau đớn và suy sụp sau khi nhận giấy báo tử của Lập là mẹ tôi. Bà dặn chúng tôi nhớ ngày Rằm tháng Bảy hái quả chín trong vườn, thắp nén hương thơm trên bàn thờ cho Lập…Bây giờ mẹ tôi đã đi xa, thắp hương cho Lập đã thành lệ của gia đình.

Nhật ký là tiếng nói của một thế hệ lên đường đánh Mỹ

Tranh thủ những lúc giải lao trên đường hành quân, giờ nghỉ sau một ngày tập luyện, Nguyễn Tá Lập ghi lại những cảm xúc của mình trong 24 trang nhật ký anh viết bắt đầu từ ngày 1/6/1965 và kết thúc ngày 15/7/1965. Trang đầu tiên, Nguyễn Tá Lập viết: "Giơ cao nắm chắc lời thề. Ra đi quyết hẹn ngày về thành công" và trang cuối cùng của nhật ký, anh viết dòng chữ bậc thang tô đậm nét "Những dòng văn viết vội". Sâu đậm trong cảm xúc của anh là những dòng viết về quê hương, đất nước, về những con người anh đã gặp, những vùng đất anh đã qua và cả mối tình đôi lứa vừa chớm nở trong mơ.

Nhật ký của liệt sỹ khép lại ở tuổi 20 - Ảnh 4.

Sau một ngày hành quân bộ 40 km từ Thuận Thành, Hà Bắc tới xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Nguyễn Tá Lập viết: "Bước chân của họ càng nhanh khi có tiếng hát. Tiếng hát lúc trầm trầm đều đều, lúc lên cao hòa với tiếng gió phi lao vi vút thành một bản âm ca hùng tráng. Gió đưa tiếng hát lên cao, tan vào vòm trời bao la vô tận, dư âm của tiếng hát có lẽ còn để lại niềm vui phấn khởi, vào xóm thôn hàng mấy giờ sau không tắt.... Vùng lên nhân dân Việt Nam anh hùng. Vùng lên… Thề cứu lấy nước nhà, thề hy sinh đến cùng… Đó là đêm 1/6/1965, một đêm đầu hạ, cuối xuân. Đoàn người trong đêm ấy là thanh niên hai huyện Thuận - Gia của tỉnh Hà Bắc vừa nhập ngũ hành quân. Trong đoàn quân phấn khởi ấy có một chàng trai trẻ măng, dáng người nhỏ nhắn, vô tư. Đó là tôi…".

Anh ghi lại cảm xúc khi thử quân trang vừa lĩnh về rất hồn nhiên: "Một chuỗi cười sằng sặc ở cửa làm mọi người ngẩng đầu lên. Thế rồi tất cả ùa cười, đó là anh Y. Bớc Sét Y trong bộ quần áo số 2, áo rộng thùng thình, mặc áo gì mà chẳng thấy tay, quần thì xắn lên một gang mà vẫn chấm gót. Kẻ thì bò ra cười, người thì cười ngặt cười nghẽo. Còn tôi mặc số 1 mới buồn cười làm sao,  áo bu dông trùm kín đít quần, xắn hai gấu vẫn còn dài nhưng may mà tôi lại đổi cho một chàng xã xệ ở Đại Đồng thành được bộ quần áo số 2 mặc vào hơi dài…".

Những ngày hành quân qua các làng quê, nơi đâu, Lập cũng nhớ về quê nhà. Trong nhật ký viết khi ở thôn Văn Võ, xã Văn Ca, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông, anh kể: "Con sông Đà nước hơi đục, như tóc một nàng trinh nữ, uốn éo len lỏi vào những làng mạc, bãi mía, nương khoai, len qua dốc núi, dạt vào đồng xanh. Ở đây trong những chiều sương ấm, chúng tôi thường đứng bên bờ sông trong giây phút tưởng nhớ đến sông Hồ, những kỷ niệm lại hiện dần lên trong ký ức…". 

Những cảm xúc đó đã được anh biến thành thơ: "Lòng trông núi thắm nhớ quê nhà/ Cỏ thảm nhung xanh phủ bao la/ Giờ đây chiến trận đi tòng ngũ/ Nhớ quê đôi chữ rộn lòng ta".

Một phần trong suy nghĩ của anh dành cho miền Nam. Trong nhật ký, anh viết: "Ôi! Miền Nam yêu quý, chúng ta sẽ gặp nhau một ngày gần đây không còn xa nữa. Lúc bấy giờ khi chia ly chúng ta hẹn gặp nhau ở Sài Gòn, Tân Sơn Nhất, ở nhiều nơi". 

Về con đường trước mắt và tương lai, anh tưởng tượng: "Ừ, một ngày không còn xa nữa, lần thứ hai chúng tôi lại đón cái "hậu quả chia ly" để rồi mỗi kẻ mỗi nơi, mỗi người mỗi hướng cùng chung một mục đích duy nhất là hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc. Chúng tôi liên tưởng rằng: Cho đến một ngay mai xa lắc, chúng tôi những chàng trai trẻ đầu tóc đã bạc phơ, gật gù bên chén rượu mầu mà ôn lại cái thủa trẻ trung oanh liệt…"

Nhật ký của liệt sỹ khép lại ở tuổi 20 - Ảnh 5.

Nhưng cái ngày mai xa lắc chẳng còn đến với Nguyễn Tá Lập. Anh cũng không thể viết tiếp những dòng văn viết vội ở chiến trường cho cuốn nhật ký gửi lại. 

"Thật tiếc thay ta phải xa quyển nhật ký này, một người bạn đời thân thiết, đã bao lần làm ta yêu mến, đã bao lần làm ta nhớ thương. Một ngày mai, ngày mai ta ra đi chiến đấu, chú em của ta tiếp tục sự nghiệp, viết tiếp những dòng trên miền Bắc và ta sẽ viết những dòng miền Nam ". Anh đã vĩnh viễn nằm lại ở  một làng quê của huyện Phù Mỹ, Bình Định. Những dòng nhật ký của anh dừng lại ở cái tuổi 20 tràn trề nhựa sống và đầy mơ ước.

Những kỷ vật của Nguyễn Tá Lập được gia đình giữ gìn gần nửa thế kỷ. Những lúc nhớ con, mẹ anh lấy ra ngắm nghĩa những dòng chữ, tìm lại hơi ấm thân quên của con trai mình. Bà từng tâm sự với làng xóm.

"Những suy nghĩ của con tôi cũng là những suy nghĩ của lớp trẻ sinh ra khi đất nước có chiến tranh. Nó là tiếng nói của một thế hệ lên đường đánh Mỹ", ông Nguyễn Tá Thìn bộc bạch khi trao những kỷ vật này cho chúng tôi.

Chủ tịch Quốc hội dự Chương trình tri ân liệt sỹ 'Sâu nặng ân tình' Chủ tịch Quốc hội dự Chương trình tri ân liệt sỹ "Sâu nặng ân tình"

VTV.vn - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới dự chương trình tri ân liệt sỹ với chủ đề: "Sâu nặng ân tình" diễn ra tối 22/7.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước