Nhiều điều chưa biết về Nhà tù Phú Quốc

Trọng Tình-Thứ hai, ngày 27/07/2009 10:49 GMT+7

Lễ truy điệu và an táng gần 300 hài cốt các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Nhà tù Phú Quốc được tổ chức lần thứ ba và có lẽ chưa phải là lần cuối cùng, một lần nữa cho thấy, những mất mát hy sinh lớn lao mà chúng ta đã phải trải qua để giành độc lập và thống nhất đất nước. Nó cũng tiếp tục hé lộ về chế độ lao tù khốc liệt và sự tàn bạo của đối phương đối với những chiến sỹ cộng sản trung kiên trong những tháng năm đầy gian khó ấy.

Một câu hỏi thật day dứt khi những nắm xương cuối cùng của các anh được xắp xếp an bằng vào quách, ấp áp dưới lá cờ đỏ sao vàng. Câu hỏi đó là, các anh đã bị giết hại ra sao?

Những chiếc đinh cỡ 8cm được tìm thấy vẫn còn ghim chặt vào xương ống, xương bàn tay, bàn chân, thậm chí là vào hộp sọ… Có nhiều tù nhân đã bị đóng đinh để tra khảo, và họ đã hy sinh.

Ông Phạm Bá Lữ, Trưởng ban liên lạc tù binh Việt Nam cho biết: “Bọn chúng bắt chúng tôi nằm ngửa, đổ nước vào mồm rồi lấy xà bông đánh từ từ để nước với xà bông chảy vào bụng, sau đó đánh và bắt đầu tra khảo, nhưng anh em kiên quyết không khai”.

Nhà báo Mỹ Robin Moore trong cuốn “Chế độ Sài Gòn - Một chế độ trại giam” đã mô tả mô hình chuồng cọp kẽm gai như một phát minh đặc biệt của lực lượng mũ nồi xanh của Mỹ. Phát minh từng được tán dương là người nằm chuồng cọp sẽ không chịu quá 3 giờ.

Ở Phú Quốc, để trừng phạt tù binh, người ta đã bắt tù nhân phải cởi trần mặc quần đùi phơi nắng trên cát bỏng và dầm sương lạnh giữa đêm. Tù binh Phú Quốc nằm chuồng cọp, người ít thì bảy, người nhiều nhất có tới 40 ngày. Người ta đã thống kê được có tới 30 cách tra tấn, phạt vạ tù nhân ở Phú Quốc.

Đục răng, Tuốt móng chân tay, Đánh bằng roi cá đuối, Gõ thùng, Đục xương bánh chè, Quăng vào chảo nước sôi… những hình thức tra khảo chỉ có trong thời Trung Cổ.

Ở bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày, thôn Nam Quất, xã Nam Triệu, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), lá cờ Đảng là một trong những vật bị bọn cai ngục lùng sục tìm kiếm nhiều nhất. Bởi có cờ là có Đảng, có cờ, nghĩa là người tù đã đứng trong tổ chức để đấu tranh.

Ở gian trang trọng nhất của Bảo tàng, một lá cờ Đảng chỉ nhỏ bằng bàn tay, nhưng chứa đầy những kỷ niệm về một người từng cất giấu nó - ông Nguyễn Văn Dư, một cựu tù Phú Quốc. Dưới lá cờ thiêng liêng ấy, những người cộng sản đã kiên trung, vượt qua bao đòn roi tra tấn. Đấu tranh, và chiến thắng. Những chính sách Tân sinh hoạt nhằm dụ chiêu hồi của địch đã thất bại hoàn toàn, 200 người tù bằng nhiều cách đã vượt ngục ra ngoài, trở về tiếp tục chiến đấu cho tới ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước