Lắp đặt camera giám sát tại các trạm trung chuyển chất thải rắn đô thị hay đầu tư công nghệ tiên tiến "xử lý rác phát điện", giảm tỷ lệ chôn lấp chỉ còn 20% vào năm 2025… là một số nội dung nổi bật được đề cập tại hội thảo.
Với những tồn tại, bất cập, thiếu thống nhất trong quản lý Nhà nước về chất thải rắn, các đại biểu đã đề ra 4 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp chính sách; Nhóm giải pháp thu gom tại nguồn; Nhóm giải pháp vận chuyển trung chuyển; Nhóm giải pháp xử lý. Trong đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ định mức, đơn giá thu gom vận chuyển xử lý chất thải rắn, quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển chất thải rắn; tiến hành thí điểm thu gom tập trung tại nguồn.
Hội thảo cũng tập trung bàn thảo những cơ chế ưu đãi đầu tư cho dự án xử lý chất thải rắn; quản lý chất thải rắn cấp liên tỉnh hoặc cấp vùng, cũng như kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới về công tác quản lý Nhà nước đối với chất thải rắn. Đặc biệt, phương án giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn cũng sẽ được bàn bạc.
Trong buổi chiều nay, hội thảo cũng sẽ bàn thảo, giới thiệu những công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả bằng phương pháp đốt phát điện hay xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân vi sinh…
Hội thảo khoa học này sẽ phục vụ hội nghị toàn quốc về chất thải rắn do Thủ tướng chính phủ chủ trì, dự kiến diễn ra vào tháng 6 tại Hà Nội.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang kiểm tra đột xuất các cơ sở xử lý chất thải rắn trên toàn quốc. Nếu đơn vị nào vi phạm sẽ thanh tra toàn diện và nếu sai phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ đóng cửa, kiên quyết xử lý. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ dành nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích các sáng kiến, mô hình phù hợp, nhất là phân loại rác thải tại nguồn để xử lý, tái chế rác thải mang lại các lợi ích trực tiếp về môi trường và kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!