Sau khi xông vào Trạm bảo vệ số 4 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), lâm tặc đã đập phá các vật dụng của trạm. Ảnh: Tin 24/7
Năm 2013, tình hình phá rừng sẽ có chiều hướng gia tăng. Cảnh báo đó đã được Cục Kiểm lâm đưa ra khi phân tích nguyên nhân của các vụ phá rừng thời gian qua. Hình thức phá rừng hiện ngày càng tinh vi, được các đối tượng lâm tặc tổ chức bài bản với quy mô lớn.
Trước tình trạng đó, Tổng cục Lâm nghiệp đã ban hành nhiều chính sách để tăng cường vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của các lực lượng bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trên thực tế, một số chính sách trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập. Điều đó khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng ở nhiều nơi không thực sự hiệu quả. Nhóm PV của Truyền hình Việt Nam đã ghi nhận thực tế này tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.
10 lâm tặc chặn đường, cướp lại tang vật phá rừng là cưa xăng, một vết chém may mắn chỉ làm rách da đầu… là những gì mà ông Lê Văn Hùng, cán bộ Trạm bảo vệ rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, tỉnh Hà Tĩnh đã gặp phải khi đang đi tuần tra. Nhớ lại giây phút bị các đối tượng lâm tặc hành hung cách đây gần 1 tháng, ông Hùng vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông cho biết, giây phút bị đánh, lo sợ nhưng vì nhiệm vụ được giao nên vẫn tiếp tục tuần rừng.
Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ có diện tích gần 50.000 ha có vai trò phòng hộ và cung cấp nước đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên nhiều năm nay, 40 thành viên của các trạm bảo vệ rừng như ông Hùng đều không nhận được sự quan tâm đầy đủ về chế độ bảo vệ rừng. Công cụ hỗ trợ trong quá trình tuần rừng chỉ là những chiếc gậy tự chế và vài chiếc dùi cui mà đơn vị tự trang bị.
Tại trạm kiểm lâm Truông Bát, khi tuần tra cùng Đội cơ động của Chi Cục kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh, đối tượng lâm tặc thuê người dân vận chuyển gỗ trái phép vào ban đêm và sẵn sàng bỏ lại tang vật hoặc chống đối người thi hành công vụ. Trong khi đó, chủ nhân của chiếc xe vận chuyển 2 khối gỗ trái phép đã liều lĩnh đâm thẳng vào xe của tổ tuần tra, gây thương tích cho cán bộ kiểm lâm nhưng mức án cuối cùng chỉ là hai năm tù treo. Ngoài ra, quyền năng sử dụng súng của Kiểm lâm cũng bị hạn chế nên trong nhiều trường hợp, khó có khả năng trấn áp lâm tặc.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng ở nhiều nơi, những cánh rừng vẫn đang được bảo vệ bởi lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của những cán bộ nhiều năm gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Vì thế, việc hoàn thiện các cơ chế thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng và để những chủ trương đó thực sự đi vào cuộc sống thì cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của chính quyền địa phương và các ngành chức năng.