Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội và các đơn vị quân đội đã vào tiếp quản Thủ đô. Kể từ thời khắc lịch sử ấy, trải qua 60 năm, Thủ đô Hà Nội đã có nhiều đổi thay về diện mạo và đạt nhiều thành tựu kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, trong đó bộ mặt giao thông đã được thay đổi rõ nét. Việc kết nối hệ thống giao thông Thủ đô đã và đang góp phần làm nổi bật những thành tựu của Hà Nội.
Năm 2012, đường vành 3 từ Mai Dịch đến Bắc Linh Đàm được thông xe. Đây là tuyến đường trên cao đầu tiên ở Hà Nội được xây dựng và đưa vào sử dụng. Mặc dù chỉ có chiều dài gần 9km nhưng tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc đô thị với 4 làn xe.
Tại các điểm giao cắt với trục đường lớn đều có nhánh rẽ lên xuống để phương tiện di chuyển từ đường trên cao xuống và ngược lại. Khi đưa vào khai thác đã góp phần hoàn thiện đường vành đai III, hình thành nên hệ thống giao thông hiện đại vừa có ý nghĩa phục vụ giao thông nội đô vừa đảm bảo giao thông liên vùng của thành phố và kết nối các đầu mối đường bộ như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 5, Quốc lộ 18, đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, Láng - Hoà Lạc, Thăng Long - Nội Bài và tương lai gần là đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Quảng Ninh.
Để từng bước xây dựng một thủ đô văn minh hiện đại, hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm đã và đang được các cấp các ngành tại Hà Nội khẩn trương xây dựng. Ngay trong tháng 10/2014, cây cầu Đông Trù và tuyến đường 5 kéo dài cũng sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần tạo trục giao thông huyết mạch cho cụm đô thị Bắc sông Hồng.
Bên cạnh những điểm sáng trong bức tranh giao thông Hà Nội 60 năm vẫn còn những mảng màu tối. Đó là sự thiếu đồng bộ về kết cấu hạ tầng giao thông với sự phát triển của các phương tiện giao thông và với năng lực quản lý hệ thống giao thông đô thị. Từ một Thủ đô hơn 30 vạn dân, đến nay Hà Nội đã có gần 7 triệu dân với hơn 4,3 triệu phương tiện giao thông các loại. Và Hà Nội luôn phải đối diện với kẹt xe, ùn ứ trên những con đường không đủ sức chứa người và phương tiện.