Những việc làm nhỏ bé ngày Độc lập

Dương Hương-Thứ sáu, ngày 02/09/2011 07:00 GMT+7

Sau Tổng khởi nghĩa thắng lợi, để tiến tới ngày Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Thủ đô Hà Nội bộn bề trăm nghìn công việc không tên. Hơn ai hết, người Hà Nội đã mang hết sức mình, sẵn sàng làm tất cả mọi việc...

Lễ tuyên ngôn Độc Lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945.
Có những công việc tưởng chừng rất nhỏ bé, nhưng nếu không hoàn thành, chắc chắn làm giảm thành quả của cách mạng Tháng Tám cũng như buổi Lễ Tuyên ngôn Độc lập.
Hà Nội đang trầm mặc dưới ách thực dân, phong kiến, bỗng tưng bừng cờ đỏ sao vàng khắp trong thành phố. Cuộc tuần hành sáng 17/8; Tổng khởi nghĩa 19/8, và cuộc mít tinh 300 nghìn người đón chào Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình.
Chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào - nơi cung cấp cờ cách mạng nhiều nhất cho những ngày lịch sử trọng đại đó. Bà Từ Ngọc Hoan (số 6 Hàng Đào) vẫn nhớ mãi những ngày này 66 năm trước, cả gia đình bà chia nhau đi vận động hàng phố góp vải, rồi cùng nhau may cờ cách mạng ngay trong nhà mình.
Hồi ấy, bà Hoan vừa tròn 15 tuổi nhưng đã tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc. Ngày 1/9, bà cùng mẹ và chị gái sớm khuya đi vận động bà con các phố xung quanh cùng đi dự mít tinh trong ngày 2/9.
“Phải đi vận động từ hôm trước, mùng 1 rồi, vận động là mai các bà sắp xếp để đi mít tinh nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập. Nhiều nhà đóng cửa hàng để đi, có nhà mở cửa treo cờ, đoàn mít tinh qua, ra hoan hô vẫy chào”. Bà Từ Ngọc Hoan kể.
Năm nay 87 tuổi, bà Vũ Thị Kim Oanh vẫn nhớ ngày 2/9/1945, dãy phố Hàng Bạc nhà mình đặt rất nhiều thùng nước vối cho người đi mít tinh uống. Mẹ bà là tổ trưởng tổ tiếp tế, vận động các nhà góp hàng tạ gạo, ngưng việc buôn bán, cùng nhau nấu cơm nắm muối vừng, chuyển cho thanh niên trong phố tiếp tế cho bộ đội và người dân ngoại thành vào dự mít tinh. Suốt mấy ngày sau Tổng khởi nghĩa và cao trào nhất là ngày 2/9, nhà bà trở thành một cái bếp lớn, liên tục đỏ lửa nấu cơm.
Từ hoạt động bí mật, các thiếu nữ phố cổ e lệ trước cách mạng đã như chim sổ lồng, xung phong nhận mọi việc cách mạng phân công. Tiểu thư Phạm Thị Đào lần đầu tiên đi chợ, rồi ngồi trên xe tay, giữa những thúng cơm canh mang cho tự vệ đóng tại Bảo An binh đang bị đói…
Hàng trăm nghìn người, rất đông và đẹp nhất là các phụ nữ áo dài, áo tứ thân đã xuống đường, hòa mình, góp sức biểu dương sức mạnh của lòng dân theo Hồ Chí Minh giành độc lập. Họ cũng đã cách mạng chính mình, đã lớn lên theo làn sóng yêu nước của dân tộc, vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến bó buộc, bất bình đẳng nam nữ, để thầm lặng tham gia cách mạng theo cách của mình bằng tất cả tấm lòng. Mặc dù, nhiều việc làm nhỏ bé của họ, không được chính sử ghi chép lại.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước