Theo thống kê của Quỹ Dân số LHQ, trên thế giới cứ 3 phụ nữ lại có 1 người phải chịu đựng bạo lực gia đình trong cuộc sống của mình. Ở nước ta, dù đã có Luật phòng, chống bạo lực gia đình từ năm 2007 nhưng không thể phủ nhận một thực tế rằng bạo lực gia đình vẫn là một vấn nạn chưa thể xóa bỏ. Theo thống kê của Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện từ năm 2011 - 2015, ở nước ta có tới gần 160.000 vụ bạo lực gia đình, theo đó trung bình mỗi năm gần 32.000 vụ bạo lực gia đình xảy ra.
Theo nhận định của Quỹ Dân số LHQ, trong dịch bệnh COVID- 19 với những áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống, các vụ bạo lực gia đình trên cơ sở bất bình đẳng giới với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng. Ngày 5/4, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã viết trên Twitter kêu gọi các quốc gia cần có hành động khẩn cấp để chống lại sự gia tăng bạo lực gia đình, đặt sự an toàn của phụ nữ và trẻ em lên hàng đầu. Những con số thống kê về tình trạng bạo lực gia đình gia tăng ở nhiều quốc gia có lẽ là một phần cơ sở cho lời kêu gọi này.
Trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19, tình hình bạo lực gia đình trên cơ sở bất bình đẳng giới gia tăng và trở nên tồi tệ hơn. Mọi người lo sợ không chỉ bởi virus và bệnh tật mà còn lo lắng về việc làm và thu nhập, sự bối rối, bất lực tăng cao. Để ngăn ngừa dịch bệnh, nhiều quốc gia đã thực hiện lệnh phong tỏa hoặc giãn cách xã hội, hạn chế đi lại. Điều này tiếp tục làm gia tăng mối lo lắng, sự căng thẳng của các cá nhân trong gia đình cũng như nguy cơ bạo lực lên phụ nữ và trẻ em.
Theo thông tin của Quỹ Dân số LHQ, số cuộc gọi báo cáo về bạo lực gia đình trong thời điểm dịch COVID-19 ở nước ta đã tăng lên khoảng 20%. Hiện trên cả nước, tại mỗi tỉnh thành đều có các cơ sở nhà tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình. Tuy nhiên, theo đại diện Quỹ Dân số LHQ, cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình nhà hỗ trợ với dịch vụ hỗ trợ toàn diện hơn cho các nạn nhân.
Cuối tháng 4/2020, Ngôi nhà Ánh Dương với mô hình cung cấp tổng thể các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới đã được Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Quỹ Dân số LHQ phối hợp với đối tác khánh thành. Với những mô hình như thế này, nạn nhân của bạo lực gia đình sẽ có thêm cơ hội để được tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ thiết yếu và chăm sóc kịp thời. Tuy nhiên, để vượt qua, thoát khỏi bạo lực gia đình từ chính gốc rễ, có lẽ vẫn sẽ cần đến sự thay đổi từ chính ý thức và nhận thức của mỗi con người, đặc biệt là phụ nữ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!