Nóng trong tuần: Làm rõ khối “tài sản trăm tỷ” của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 19/02/2017 10:44 GMT+7

VTV.vn - Những diễn biến mới nhất liên quan tới Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa là một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm của báo chí trong tuần qua.

Diễn biến mới nhất đó là vào sáng ngày thứ 6 (17/2), trên hầu hết các báo lớn đều chạy dòng tít Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo làm rõ những thông tin liên quan tới khối tài sản của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.

Công văn của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư nêu rõ: "Báo Nhân dân số ra ngày 11/02 vừa qua có đăng tin "Chung quanh việc kê khai tài sản của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa".

Báo Tuổi trẻ đăng bài "Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sở hữu khối tài sản trăm tỷ" và bài: "Gia đình bà Thứ trưởng có gì ở Công ty Điện Quang?".

Báo Tiền Phong đăng các bài: "Cần làm rõ việc thâu tóm cổ phần", "Cần kiểm soát mối quan hệ gia đình của quan chức", "Đáng lẽ Ủy ban chứng khoán phải vào cuộc" và nhiều báo khác đã đưa tin về nội dung này".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan của Đảng và Chính phủ phải khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan, sớm báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

"Gia đình bà Thứ trưởng có gì ở Công ty Điện Quang?" bài viết trên Tuổi Trẻ ra ngày 12/2 cho biết, tháng 2/2008, Công ty CP bóng đèn Điện Quang chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, bà Thoa khi đó đang đảm nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc của Công ty. Sau khi Công ty Điện Quang cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán, gia đình bà Thoa sở hữu lượng lớn cổ phiếu cùng những vị trí chủ chốt ở doanh nghiệp này.

Để nhìn rõ hơn, gia đình bà Thứ trưởng có gì ở Công ty Điện Quang, hình ảnh đồ họa trên báo điện tử Vietnamnet cho thấy, theo báo cáo quản trị do doanh nghiệp này công bố, tính đến hết năm 2016, các thành viên trong gia đình và người có liên quan của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa hiện đang nắm giữ hơn 11 triệu cổ phiếu, tương ứng 34% vốn của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. Trong đó, bà Thoa đang nắm giữ 1,7 triệu cổ phiếu. Mẹ bà Thoa là bà Trần Thị Xuân Mỹ cũng sở hữu 1,2 triệu cổ phiếu. Em trai bà Thoa là ông Hồ Quỳnh Hưng sở hữu 2,5 triệu cổ phiếu. Con gái lớn của bà Thoa là Nguyễn Thái Nga sở hữu 4,1 triệu cổ phiếu. Con gái thứ 2 của bà Thoa là Nguyễn Thái Quỳnh Lê cũng sở hữu trên 2,2 triệu cổ phiếu. Với thị giá cổ phiếu này tính đến cuối tuần trước là khoảng 52.000 đồng/cổ phiếu, tính ra trị giá cổ phiếu mà gia đình bà Thoa nắm giữ ước khoảng trên 600 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của báo Tuổi Trẻ, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Điện Quang từ thời điểm niêm yết trên sàn chứng khoán đến trước khi bà Thoa về làm Thứ trưởng Bộ Công Thương đã không mấy khả quan. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, Công ty Điện Quang ghi nhận mức lợi nhuận tăng mạnh trở lại và duy trì tốt lợi nhuận cho đến thời điểm hiện nay.

Sau khi có những thông tin báo chí nêu, Bộ Công Thương đã thông tin lại với báo chí như sau: "Số cổ phần của Công ty CP Bóng đèn Ðiện Quang mà bà Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu là số cổ phần có được từ trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Số cổ phần này đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm Thứ trưởng vào năm 2009 và đã được báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền trước khi có quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng.

Trong quá trình công tác tại Bộ của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Bộ Công Thương đã chỉ đạo bà Thoa thực hiện đúng quy định về quản lý cán bộ và kê khai tài sản. Trong các bản kê khai tài sản hàng năm, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đều kê khai số lượng cổ phiếu đang nắm giữ tại Công ty CP Bóng đèn Ðiện Quang".

Một số tờ báo dùng cách nói khôi hài cho rằng, Bộ Công Thương lý giải tài sản của bà Thoa có được là "đúng quy trình". Quả tình, xã hội phát triển đi lên cần có nhiều người giàu, nhiều doanh nghiệp ăn nên làm ra. Thế nhưng, Bộ Công Thương không thắc mắc gì khi cán bộ của mình sở hữu khối tài sản lớn như vậy, trong khi nhiều người khi nghe thông tin này đều rất băn khoăn.

Chẳng hạn, Đại biểu Quốc Hội Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ: "Pháp luật chỉ cấm công chức tham gia điều hành doanh nghiệp chứ không cấm quan chức sở hữu tài sản là cổ phần, cổ phiếu. Không cấm nhưng tôi vẫn thấy hơi gợn".

Nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Trần Đại Hưng cho rằng: "Cần xem lại quá trình hình thành khối tài sản đó và nếu đúng là không có vấn đề gì thì cũng cần công khai để mọi người biết".

Bộ Công Thương có thể không thấy băn khoăn, nhưng dư luận có rất nhiều băn khoăn, thứ nhất, Luật Chứng khoán cấm sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ. Vậy việc Thứ trưởng Thoa đang làm lãnh đạo công ty lại đẩy mạnh mua vào cổ phần chính công ty đó có gì sai luật không?

Thứ 2, theo thông tin tờ Tiền Phong có được, giai đoạn 2008 - 2009 có thông tin Công ty CP Điện Quang gặp khó khăn lớn, khi đối tác Cuba nợ 1.000 tỷ đồng. Cùng thời gian này, bà Thoa (khi đó còn là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điện Quang) liên tục mua vào cổ phiếu công ty. Và khi bà Thoa làm Thứ trưởng Bộ Công Thương từ năm 2010, Điện Quang cũng đàm phán xong với đối tác về trả số nợ trên trong 6 năm sau đó. Sự việc này liệu có phải ngẫu nhiên?

Thứ 3, riêng với Công ty CP Điện Quang, việc Thứ trưởng Bộ Công Thương nắm cổ phần lớn tại doanh nghiệp liệu có mượn sức Nhà nước, hay ưu ái để phát triển doanh nghiệp của mình hay không?

Người dân đang chờ câu trả lời của các cơ quan chức năng khi thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm rõ về những nghi vấn này. Và cũng từ vụ việc này, một lần nữa vấn đề công khai, minh bạch tài sản của cán bộ được báo chí đề cập tới.

Theo tờ Tuổi Trẻ, minh bạch tài sản của người giữ chức vụ công quan trọng, ngăn chặn việc gây dựng doanh nghiệp sân sau để lập đường dây thông đồng công - tư nhằm trục lợi riêng là những vấn đề luôn mang ý nghĩa thách thức gai góc đối với Nhà nước, xã hội.

Nhiều giải pháp đã được đề ra, đặc biệt là các giải pháp hoàn thiện hệ thống luật pháp để phòng ngừa, xử lý; nhưng ở chỗ này, chỗ nọ, quan chức vẫn giàu lên một cách bất thường, của công vẫn có đường để đi vào túi riêng. Nguyên nhân chính được cho là do các giải pháp đều chưa triệt để, chưa đi đến tận gốc của vấn đề.

Chẳng hạn, kê khai tài sản được xác định là cách làm cho tình hình tài sản của quan chức được minh bạch và kinh nghiệm của các nước đã cho thấy hiệu quả của cách làm này. Tuy nhiên, nếu chỉ lập danh sách tài sản hiện có, việc kê khai chẳng có tác dụng gì.

Ở các nước, người ta không chỉ kê khai những gì mình có mà còn phải khai bằng cách nào mình có; khai không được, không rõ hoặc khai không đúng về nguồn gốc tài sản người khai mặc nhiên bị coi là có tài sản bất minh.

Việc kê khai tài sản của người được giao nắm giữ quyền lực phải được công khai để những người bỏ phiếu trao quyền cho người đó biết, từ đó có điều kiện cân nhắc trước khi sử dụng lá phiếu của mình.

Trao đổi với tờ Đại Đoàn kết, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: "Việc kê khai tài sản hiện nay vẫn còn rất hình thức. Có ai đi kiểm soát tài sản của cá nhân đâu? Cho nên nhiều người khai báo xong thì chỉ ém trong hồ sơ thôi, khai báo xong để đấy chứ có làm gì đâu.

Thế rồi, nhiều vụ có đồng chí có rất nhiều tài sản nhưng lại không đứng tên, mà đứng tên mẹ, bố, hay vợ, con cái. Cuối cùng người ta không xử lý các trường hợp đó. Nếu có phát hiện con cái của họ chưa đến tuổi thành niên nhưng lại có khối tài sản lớn, thì cũng chưa có quy định nào để truy ngược xem xét nguồn gốc các khối tài sản đó là từ đâu. Cơ quan nhận được bản kê khai tài sản cũng không có trách nhiệm kiểm tra xác định xem số tài sản kê khai có đúng không".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước