Ông Kofi Annan từ chức đặc phái viên LHQ về Syria‎

Minh Nguyệt-Thứ bảy, ngày 04/08/2012 07:00 GMT+7

Đặc phái viên quốc tế về Syria, ông Kofi Annan đã quyết định xin từ chức khi tiến trình hòa giải tại quốc gia trung đông này chưa có lối thoát.

Những cố gắng ngoại giao mà ông Annan là người đứng mũi chịu sào đã thất bại khi không thể thiết lập dù chỉ là một lệnh ngừng bắn tạm thời khi Syria đang lún sâu trong một cuộc nội chiến khốc liệt.

Khi chấp nhận nhiệm vụ đặc phái viên quốc tế về Syria vào ngày 23/2, ông Annan đã gọi đây là nhiệm vụ bất khả thi nhưng ông vẫn muốn cùng cộng đồng quốc tế tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Nhưng sau 5 tháng với nhiều cố gắng bất thành, đặc phái viên quôc tế về Syria, ông Kofi Annan cuối cùng đã phải tuyên bố chức mà theo ông là do đã không nhận được sự ủng hộ của HĐBA cho vai trò của mình.
Ông Kofi Annan nói: “Bạn phải hiểu rằng là một đặc phái viên, tôi cũng như những bên liên quan trong vấn đề Syria, như HĐBA hay cộng đồng quốc tế đều mong muốn hòa bình cho Syria. Tôi đã thông báo việc mình sẽ không tiếp tục nhiệm vụ này khi hết hạn vào cuối tháng 8. Syria vẫn có thể thoát khỏi tình trạng tồi tệ này nếu cộng đồng quốc tế có thể cho thấy sự can đảm và lãnh đạo cần thiết để đạt được thỏa hiệp giữa các lợi ích khác nhau mà vì những lợi ích đó người dân Syria, đàn ông, đàn bà và trẻ em đã phải chịu đựng quá nhiều“.
Trọng trách hòa giải của ông Annan và kế hoạch hòa bình 6 điểm do ông chủ xướng đã từng được cho là hy vọng sáng sủa nhất cho khủng hoảng Syria.
Nhưng kế hoạch hòa bình 6 điểm này chưa từng được tuân thủ một cách đầy đủ từ cả 2 phía. Một lệnh ngừng bắn được đưa ra vào tháng 4 đã không được cả chính phủ Syria lẫn lực lượng đối lập tuần thủ dù chỉ 1 ngày. Và bạo lực tiếp tục leo thang đến mức các quan sát viên quốc tế phải ngừng phần lớn các hoạt động tại Syria từ tháng 6.
Nếu 5 tháng trước đây, xung đột mới chỉ diễn ra ở một số thị trấn xa xôi, nay chiến sự ác liệt đã lan rộng ra 2 thành phố lớn nhất cả nước là Damas và Aleppo.
Trong khi đó, bất chấp những chuyến ngoại giao con thoi của đặc phái viên Annan, sự chia rẽ giữa các thành viên HĐBA vẫn sâu sắc đến mức 3 lần không thể thông qua 1 nghị quyết về Syria do Nga và Trung Quốc dùng quyền phủ quyết các bản nghị quyết được phương Tây và các nước Arab hậu thuẫn nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Syria và yêu cầu Tổng thống Assad phải từ bỏ quyền lực. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của ông Annan thực sự là bất khả thi.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon đã chấp nhận quyết định từ chức của ông Annan và đang thảo luận với Liên đoàn Arab nhằm tìm kiếm 1 nhân vật thay thế ông Annanv - người đã từng thành công trong nhiều sứ mệnh hòa giải và đã nhận giải Nobel hòa bình vào năm 2001.
Ông Jon Alterman, Giám đốc chương trình Trung đông - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết: "Ông Annan chưa bao giờ có được sự hợp tác của tất cả các bên mà ông cần. Ông đã không có được sự hỗ trợ rộng rãi của quốc tế trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề. Tôi nghĩ rằng, điều đó dẫn đến việc bạn không thể đàm phán và kết thúc vấn đề. Họ sẽ đánh nhau cho đến khi vấn đề được giải quyết. Tôi nghĩ sẽ họ chiến đấu theo cách của họ để kết thúc sự việc“.
Một số nhà phân tích đã cho rằng, số phận của Syria sẽ được quyết định bằng những diễn biến trên thực địa. Aleppo đang được coi là mặt trận quyết định.
Aleppo là thành phố thương mại có nhiều người ủng hộ chính quyền của tổng thống Adssad, nhất là giới doanh nhân được Damas trông cậy tài trợ phần nào cho cuộc chiến. Còn với lực lượng nổi dậy, Aleppo là chìa khóa để khống chế miền Bắc Syria. Nếu chiếm được Aleppo, có thể nói, lực lượng nổi dậy Syria sẽ viết lại được kịch bản của Benghazi ở Libi trước đây.
Các báo cáo được công bố ngày 2/8 xác nhận Tổng thống Obama đã ký một văn bản cho phép "bí mật ủng hộ" lực lượng đối lập Syria và cho phép Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thực hiện các điệp vụ mật tại Syria. Còn phía bên kia chiến tuyến, Iran khẳng định sẽ hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Adssad.
Nhưng đâu chỉ có vậy, lôi kéo vào cuộc chiến này, còn là Thổ Nhĩ Kỳ là Arab Saudi, là Israel…và nhiều nước khác. Tương lai thật bất định khi cuộc nội chiến tại Syria không chỉ là nội chiến của một quốc gia mà còn là cuộc xung đột lợi ích mang tính khu vực và quốc tế.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước