Phát động phòng ngừa rủi ro thiên tai liên quan đến đuối nước cho trẻ em trong mùa mưa lũ

T.K-Thứ hai, ngày 03/06/2019 19:15 GMT+7

VTV.vn - Tham dự sự kiện có khoảng 1.000 đại biểu cùng 300 em học sinh đại diện các trường học tại TP Hòa Bình.

Ngày 3/6/2019, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương (TW) về phòng chống thiên tai (PCTT) phối hợp với hợp với UBND tỉnh Hòa Bình, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) và Hội đồng đội Trung ương tổ chức Lễ phát động "Phòng ngừa rủi ro thiên tai liên quan đến đuối nước cho trẻ em, học sinh trong mùa mưa lũ" tại Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh đoàn TP. Hòa Bình.

Phát động phòng ngừa rủi ro thiên tai liên quan đến đuối nước cho trẻ em trong mùa mưa lũ - Ảnh 1.

Các đại biểu và các em học sinh tham dự lễ phát động.

Tham dự sự kiện có khoảng 1.000 đại biểu là Lãnh đạo Ban Chỉ đạo TW về PCTT, đại diện lãnh đạo Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), Sở NN&PTNT cấp tỉnh, UBND cấp huyện, các xã trọng điểm về lũ quét, sạt lở đất tại 18 tỉnh miền núi phía Bắc và đại diện UNICEF tại Việt Nam cùng 300 em học sinh đại diện các trường học tại TP. Hòa Bình.

Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ và người dân trong công tác PCTT thì sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có tổ chức UNICEF đã góp phần quan trọng trong phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Là tổ chức Liên Hợp Quốc với vai trò thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em, đã có những đóng góp tích cực hiệu quả trong chương trình Giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm, thông qua các sáng kiến như quảng bá mô hình Trường học an toàn, hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, nâng cao nhận thức về thiên tai ở trẻ em qua công cụ như lập bản đồ rủi ro trong trường học và cộng đồng góp phần đảm bảo an toàn hơn nữa cho trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước".

Tại Lễ phát động Phó trưởng Ban Ban Chỉ đạo TW về PCTT, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết: Theo thống kê, trong giai đoạn 2010 - 2013, trung bình mỗi năm có khoảng 2.800 trẻ em bị thiệt mạng do các rủi ro liên quan đến nước, giai đoạn 2015 - 2017 con số trên đã có xu hướng giảm, còn trung bình khoảng 2.000 trẻ em. Gần đây, Ban Chỉ đạo TW về PCTT đã phối hợp cùng các bộ ngành, địa phương triển khai nhiều hành động để nâng cao nhận thức, cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao năng lực phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Phát động phòng ngừa rủi ro thiên tai liên quan đến đuối nước cho trẻ em trong mùa mưa lũ - Ảnh 2.

Phó trưởng Ban Ban Chỉ đạo TW về PCTT, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu tại lễ phát động.

Để giảm thiểu những rủi ro liên quan đến đuối nước, bên cạnh sự quan tâm của chính quyền các cấp, các ngành cần có sự chung tay của toàn xã hội nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em, góp phần xây dựng "Một xã hội an toàn hơn cho trẻ".

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai cho trẻ em, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội; Đưa các nội dung phòng, chống thiên tai vào chương trình giáo dục trong trường học, đặc biệt là triển khai sâu rộng các hoạt động dạy bơi, chủ động cho các em tham gia các khóa học bơi an toàn, kỹ năng phòng chống đuối nước; Cắm biển cảnh báo và tăng cường sự giám sát của các bậc phụ huynh đối với trẻ em nhất là tại các khu vực nguy hiểm như ven sông, suối, ao, hồ, khu vực hạ du các hồ chứa…; Đối với các vùng vào mùa mưa lũ kéo dài, cần nhân rộng các mô hình đưa rước trẻ, nơi trông giữ trẻ tập trung; các địa phương cần bố trí ngân sách và huy động sự tham gia của toàn xã hội để đầu tư, hỗ trợ cho công tác rèn luyện kĩ năng bơi, nâng cao môi trường sống an toàn cho trẻ nhỏ.

Phát động phòng ngừa rủi ro thiên tai liên quan đến đuối nước cho trẻ em trong mùa mưa lũ - Ảnh 3.

Đại diện các em học sinh chia sẻ tại lễ phát động.

Nhân sự kiện này Tập đoàn điện lực Việt Nam và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hòa bình trao tặng cho địa phương 450 triệu để lắp đặt 9 bể bơi di động trang bị cho một số trường học. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hòa Bình và một số Đài truyền hình các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ tiếp sóng.

Ngay sau Lễ phát động Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2019. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận trực tiếp vào những vấn đề nóng trong công tác phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc.

Phát động phòng ngừa rủi ro thiên tai liên quan đến đuối nước cho trẻ em trong mùa mưa lũ - Ảnh 4.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2019.

Nhìn nhận những kết quả đã đạt được; chỉ ra những tồn tại, khó khăn, vướng mắc; đúc rút các bài học kinh nghiệm; quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đề ra những giải pháp thực hiện thiết thực, phù hợp với thực tiến để quyết liệt triển khai trong thời gian tới. Tại Việt Nam, thiên tai năm 2018 không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra ở khắp các vùng miền trên cả nước với 16/21 loại hình thiên tai, đã làm 224 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.

Những tháng đầu năm 2019, hiện tượng mưa cực đoan, mưa đá, giông lốc cũng đã xảy ra ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại người và tài sản. Trong khu vực đã xảy ra 63 trân dông, lốc kèm theo mưa đá, điển hình: ngày 13-15/4 xảy ra trận dông, lốc, mưa đá Thái Nguyên ước tính thiệt hại 46,4 tỷ đồng; ngày 21-28/4 xảy ra trận dông, lốc, mưa đá Thanh Hóa ước tính thiệt hại 82,6 tỷ đồng.

Gần đây nhất, từ ngày 25/5 đến ngày 29/5, các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa to đến rất to, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Sìn Hồ (Lai Châu) 254mm, Bắc Quang (Hà Giang) 460mm, Trùng Khánh (Cao Bằng) 222 mm, Quất Động (Quảng Ninh) 442mm. Mưa lớn đã làm mực nước sông suối ở trên địa bàn một số tỉnh vùng núi Bắc Bộ như Quảng Ninh, Cao Bằng, Yên Bái lên cao gây lũ, ngập lụt, sạt lở, lũ quét. Thiên tai từ đầu năm đã làm 18 người chết và mất tích (Lốc sét 12; mưa lũ, sạt lở đất 06); 06 người bị thương và hư hại 90 nhà; thiệt hại 267 ha lúa, hoa màu, 1,1km kênh mương bị sạt lở, hư hỏng 10.510m3 đất đá đường giao thông bị sạt lở và ngập cục bộ một số tuyến đường.

Tại Việt Nam, Facebook là kênh truyền thông hữu hiệu và có thể tiếp cận người dân một cách nhanh chóng. Nhằm tăng cường hiệu quả trong việc sử dụng công nghệ và mạng xã hội để phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, giúp người dân nhanh chóng cập nhật thông tin về cảnh báo, dự báo, chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra… chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với Facebook tổ chức tập huấn kỹ thuật hướng dẫn kỹ năng về công nghệ ứng dụng mạng xã hội Facebook trong truyền thông về PCTT cho các cán bộ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thuộc 18 tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Sau đợt tập huấn này, Facebook sẽ tiếp tục hỗ trợ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có các lớp đào tạo, tập tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho cán bộ của Ban chỉ huy PCTT&TKCN khu vực vùng miền trong cả nước.

Một số hình ảnh ghi nhận:

Phát động phòng ngừa rủi ro thiên tai liên quan đến đuối nước cho trẻ em trong mùa mưa lũ - Ảnh 5.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị

Phát động phòng ngừa rủi ro thiên tai liên quan đến đuối nước cho trẻ em trong mùa mưa lũ - Ảnh 6.

Đại diện tỉnh Lào Cai chia sẻ ý kiến tại hội nghị.

Phát động phòng ngừa rủi ro thiên tai liên quan đến đuối nước cho trẻ em trong mùa mưa lũ - Ảnh 7.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước