Các Văn phòng công chứng ra đời theo Luật Công chứng với mô hình công ty tư nhân (1 Công chứng viên) hoặc hợp danh (2 Công chứng viên trở lên), sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn thành phố Hà Nội, đã góp phần giảm tải rất nhiều cho các Phòng công chứng Nhà nước. Đã có sự thay đổi ở tác phong, thái độ làm việc trong đội ngũ công chứng viên. Người dân bước đầu ghi nhận vai trò của các Văn phòng Công chứng thay vì ánh mắt nghi ngại về tính pháp lý của “Công chứng tư” như những ngày đầu.
Chị Lê Thị Tuyết Hằng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Tôi nghĩ Công chứng tư cũng có bảo trợ của Nhà nước chứ không nảy sinh ý nghĩ là tư nhân hay Nhà nước, tôi nghĩ là như nhau”.
Mới đây, Sở Tư pháp Hà Nội chủ trì đã kiểm tra định kỳ và đột xuất các Văn phòng công chứng sau 2 năm triển khai. Cơ bản, các Văn phòng Công chứng hoạt động phù hợp với thực tế và đúng quy định, chưa phát hiện thấy những sai sót lớn trong quá trình soạn thảo và công chứng các hợp đồng, giao dịch. Hồ sơ lưu trữ đầy đủ và thận trọng. Tuy nhiên, một số văn bản công chứng chưa chặt chẽ, vẫn còn sai sót lỗi kỹ thuật. Một số Văn phòng công chứng tuy đã ký hợp đồng lao động với nhân viên, nhưng lại chưa mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc biên lai thuế chưa có xác nhận của cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, một vấn đề nảy sinh hiện nay là những hợp đồng-giao dịch về nhà đất do các Văn phòng công chứng xác nhận, vẫn không được 1 số đơn vị công nhận tính hợp pháp. Những đơn vị này vẫn yêu cầu người dân phải về chứng thực tại Uỷ ban xã-phường.
Công chứng viên Chu Văn Khanh, Trưởng Văn phòng Công chứng A1, Hà Nội cho biết: "Một số văn bản đã bị một số đơn vị khác có liên quan từ chối, không nêu rõ lý do… Hy vọng thời gian tới đẩy mạnh tuyên truyền, có sự hướng dẫn chung để các đơn vị đó chấp nhận các văn bản công chứng của các VPCC thì người dân sẽ thuận lợi trong các giao dịch của mình”.
Ông Phạm Thanh Cao, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội nói: "Đề nghị UBTP có chỉ đạo với các ngành thực hiện để làm sao đó các ngành nhận thức, đặc biệt cán bộ phải nhận thức nắm chắc Luật CC để thực hiện cái này cho tốt, tránh việc không nghiên cứu Luật Công chứng và nhân viên các ngành khác trả lại văn bản công chứng là sai pháp luật”.
Bởi vậy, chương trình tập huấn nghiệp vụ cho các Văn phòng công chứng do Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức trong 2 ngày 19-20/9/2009, nhằm bổ trợ kiến thức, kinh nghiệm trong khi chứng thực những giao dịch, thừa kế cho người dân, khắc phục những tồn tại để xã hội hóa hoạt động công chứng đạt được hiệu quả.