Phát triển kinh tế thì phải bảo vệ sức khỏe của nhân dân

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 01/04/2020 19:56 GMT+7

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ vào chiều tối nay (1/4).

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra hôm nay (1/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị cả nước hãy đoàn kết đồng lòng hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng thời cương quyết và chặt chẽ trong thực hiện nghiêm các khuyến nghị của Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo vệ mình và gia đình mình khỏi dịch COVID-19.

Thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19, đây là phiên họp đầu tiên Chính phủ họp trực tuyến. Tại phòng họp Chính phủ chỉ có lãnh đạo Chính phủ một số khách mời và 2 Bộ trưởng. Các thành viên Chính phủ và khách mời khác tham dự họp trực tuyến tại trụ sở các bộ và cơ quan. Thủ tướng cho rằng đây là cách làm mới cần nhân rộng, đồng thời đề nghị Chính phủ và các địa phương hãy làm việc như trong thời chiến để giải quyết nhanh nhất các công việc. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hãy thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đoàn kết một lòng quyết tâm chống dịch theo các biện pháp được nêu trong các Chỉ thị gần đây của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đến nay, Việt Nam vẫn đang chủ động kiểm soát tốt dịch COVID-19. Còn theo báo cáo "Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương: Các quốc gia phải hành động ngay để giảm thiểu cú sốc kinh tế của COVID-19" được Ngân hàng Thế giới công bố hôm qua (31/3), thì kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài, không gục ngã và đạt mức tăng trưởng cao nhất. Thủ tướng nhấn mạnh, với mức tăng trưởng 3,82% thấp nhất trong hơn 10 năm qua, trong đó TP Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước - đạt tăng trưởng 1% nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nước đứng đầu về tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhiệm vụ được ưu tiên cao nhất lúc này là không để dịch COVID-19 bùng phát, đồng thời trợ giúp người lao động bị mất việc và người nghèo bị giảm thu nhập do dịch bệnh.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài đánh giá cao Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt và kịp thời để phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các biện pháp mạnh mẽ trong Chỉ thị 16 ngày 31/3; đồng thời ủng hộ Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Đảng và Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo phòng chống dịch bệnh kịp thời, trong đó, Thủ tướng đã ban hành 6 Chỉ thị, nhờ đó dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt và không có tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình thì cho rằng dù kinh tế tăng trưởng chưa như mong muốn nhưng vẫn là điểm sáng so với nhiều nước. Còn công tác phòng chống dịch bệnh thì được thế giới thừa nhận, nhân dân đánh giá cao nên đã an dân và giữ ổn định xã hội, không có hỗn loạn xảy ra.

Các thành viên Chính phủ cũng cho rằng với các chính sách về phòng, chống dịch COVID-19, niềm tin, niềm tự hào là người Việt Nam trong nhân dân đang lên cao, còn người Việt Nam ở nước ngoài cũng rất tin tưởng vào đất nước và vào Đảng, Nhà nước. Có được điều này là do Chính phủ đã bình tĩnh, chủ động, quyết đoán trong ban hành chính sách và hết sức quyết liệt trong hành động cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đa số các thành viên Chính phủ cũng nhất trí Nhà nước không nên tiếc ngân sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt người dân gặp khó khăn vì COVID-19 lúc này, vì 1 đồng hỗ trợ bây giờ bằng 10 đồng lúc bình thường nhưng phải đúng người và không được để trục lợi chính sách. Dù Chính phủ không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào trong việc ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam và bùng phát ở trong nước nhưng dịch bệnh trên thế giới, nhất là ở những đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, có thể kéo dài đến hết quý II nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế Việt Nam và đời sống của người dân.

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ vào chiều tối nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định dù nền kinh tế Việt Nam trong quý I chưa đạt như kế hoạch nhưng Chính phủ vẫn kiên định lập trường chính sách muốn phát triển kinh tế thì phải trên cơ sở bảo vệ sức khỏe và an toàn của nhân dân chứ Chính phủ không vì kinh tế mà bỏ qua những yếu tố hết sức quan trọng này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh dù Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đạt mức tăng trưởng kinh tế rất thấp nhưng ngược lại Hải Phòng tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn vẫn đạt 15% và thu ngân sách tăng trưởng 25%. Xuất kim ngạch xuất khẩu dù có sụt giảm nhưng vẫn xuất siêu trên 2 tỷ USD. Điều này cho thấy nhiều địa phương và doanh nghiệp vẫn có thể phát triển trong điều kiện phòng chống dịch nghiêm ngặt. Tuy nhiên, Thủ tướng không đồng tình với một địa phương đã hiểu sai Chỉ thị 16 của Thủ tướng mà dừng đăng kiểm xe vận tải hàng hóa hay dừng các công trình xây dựng, dừng cấp giấy phép lái xe đường bộ, đổ đất để ngăn đường hay không cho xe vận tải hàng hóa, vật liệu phục vụ sản xuất.

Thủ tướng nhấn mạnh trong điều kiện ưu tiên cao nhất cho phòng chống đại dịch COVID-19, cùng với nhiều nước đang thực hiện phong tỏa nên các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện 3 nhóm giải pháp chính để để nền kinh tế không bị đổ gãy và có thể vực dậy được sau đại dịch. Theo đó, Chính phủ để Nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bên cạnh nhóm chính sách tiền tệ với giá trị đã lên đến 285.000 tỷ đồng thì cần tăng quy mô của gói này lên cao hơn nữa. Còn gói chính sách về tài khóa, Chính phủ đề nghị nâng từ 30.000 tỷ đồng lên 150.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp. Gói chính sách về hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, yếu thế và lao động mất việc làm bị giảm thu nhập sâu sẽ được Chính phủ ban hành sớm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước