Chiều 9/1/2020, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cho ý kiến về dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc nghiên cứu tiếp thu ý kiến để bước đầu giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật là tiếp tục quy định, cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật như hiện nay. Đồng thời bổ sung một số quy định nhằm xác định cụ thể, rõ hơn trong luật về trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu chỉnh lý.
Đây là phương án tiếp tiếp thu theo ý kiến của đa số các đại biểu Quốc hội và là phương án 2 do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 nhưng có bổ sung, làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra và vai trò chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quy trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng phương án này bảo đảm sát nhất với chức năng nhiệm vụ của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp, không làm xáo trộn quy trình đang được thực hiện ổn định từ năm 2003 đến nay, bảo đảm được sự chủ động của các cơ quan Quốc hội, nhưng vẫn phát huy được vai trò trách nhiệm của cơ quan trình trong việc nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Về việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đa số ý kiến của Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên nhưng có bổ sung sửa đổi cho linh hoạt và hợp lý hơn trong đó đề nghị hồ sơ cần có đề cương chi tiết thay vì dự thảo đề cương của dự án Luật.
Làm rõ hơn trách nhiệm phối hợp thẩm tra của Hội đồng dân tộc và các ủy ban liên quan đến những lĩnh vực do Hội đồng dân tộc và các ủy ban phụ trách để có ý kiến với Ủy ban pháp luật trước khi trình dự án xây dựng luật, pháp lệnh để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về các nội dung khác sẽ giao cho Ủy ban pháp luật phối hợp với Bộ Tư pháp để nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp tiếp theo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!