Nhà của anh Hoàng Văn Xuân trong ngõ 44 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội, lâu nay được người dân phố cổ gọi là “nhà nhỏ nhất” giữa lòng thủ đô, bởi chiều cao của ngôi nhà chỉ 1,1m, rộng chưa đầy 6m2. Mọi sinh hoạt của 2 vợ chồng anh Xuân và một đứa con đều vẻn vẹn trong khuôn diện tích này.
“Nhà khác chật nhưng vẫn đứng được, còn nhà tôi hoàn toàn không. Mọi người trong gia đình muốn thay quần áo cũng phải nằm”, anh Xuân cho biết.
‘ Một khu nhà ở phố Hàng Bạc với khoảng trống duy nhất có ánh sáng trời. (Ảnh: VnE)
Đã hơn 50 năm phải sống trong điều kiện tối tăm chật chội, nhưng anh Xuân cũng như nhiều gia đình khác tại phố cổ vẫn không đủ điều kiện kinh tế để chuyển đi nơi khác.
Anh Phùng Việt Anh, số 44 Hàng Buồm bộc bạch: “Nếu nhà nước có chủ trương di dân chúng tôi mừng quá, nhưng bảo đóng tiền mua nhà giá thấp chắc chẳng ai có tiền”.
Chị Trần Thị Vân Anh, số 42 Hàng Buồm cũng chia sẻ: “Tất nhiên nhà mới rộng rãi ai cũng thích nhưng phải nhìn vào điều kiện thực tế sinh hoạt. Còn nếu chuyển đến chỗ mới mà không đảm bảo, người dân chúng tối vẫn muốn sống tại phố cổ".
Từ năm 1999, TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho quận Hoàn Kiếm nghiên cứu lập dự án giãn dân phố cổ và đến nay sau hơn 12 năm, đề án bức thiết hàng đầu của thủ đô mới chính thức triển khai thực hiện. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ ra mắt ngày 6/6 là bước khởi đầu quan trọng của dự án.
Ở giai đoạn 1, bắt đầu ngay từ quý 2 năm nay kéo dài đến quý 4 năm 2016, hơn 1.500 dân phố cổ sống ở những khu vực bức thiết cần di dời nhất sẽ được chuyển đến nơi ở mới. Tuy nhiên, đó là mục tiêu đặt ra còn việc có đảm bảo được tiến độ thực hiện đề án hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc giải quyết ổn thỏa nhu cầu, nguyện vọng của người dân về cả nơi ở lẫn kế sinh nhai. Đây chính là yếu tố lớn nhất khiến người dân phố cổ vẫn chưa muốn dời "phố khổ" suốt nhiều năm qua.